[Tản văn] Chiếc vân hài dưới đáy hồ Tây

| 717|lebogia
Lục kho sách cũ của gia đình, phát hiện mẩu truyện khá hay, muốn chia sẻ cùng các bạn. Hi vọng sẽ mang đến cho các bạn một niềm vui nho nhỏ!

CHIẾC VÂN HÀI DƯỚI ĐÁY HỒ TÂY
Người Thăng Long


//static.kites.vn/upload//2021/23/1623466265.89035cb3e4465e91cad0e35f52625550.jpg


Có ngư ông ở về phía đông thôn Yên Phụ, quen làm nghề trên sóng nước Hồ Tây. Một đêm vãi chài dưới trăng, kéo lên được một chiếc vân hài. Cho đó là điềm may dun dủi, thế nào cũng có chiếc thứ hai, liền tung luôn mấy mẻ nữa mà không thấy gì. Rạng đông, ngư ông đem bán cá ở thôn đoài, gặp công tử Trần Phong vốn giòng trâm anh, ham chơi đồ cổ lạ. Nhác thấy chiếc hài, công tử đòi mua ngay với giá rất cao và dặn ngư nhân, nếu mò được đủ đôi sẽ trọng thưởng. Suốt ngày hôm sau, người bạn chài lặn lội, kiếm tìm nhưng vô hiệu.

Công tử Trần Phong về lấy rượu mạnh cọ rửa hài sạch sẽ. Thấy quả là một thứ giầy quý thời xưa. Thân hài bọc bằng một loại nhung tơ đặc biệt không ngấm nước. Đế hài là một thứ da rắn và nhẹ. Bốn xung quanh chạy hoa lá bằng hột cườm ngũ sắc. Mũi hài cài song phượng khắc bằng vàng. Bên cạnh điểm hai chữ Hán “Phúc Lộc” viết bằng lối triện.

Trần quân trân trọng để chiếc vân hài lên án sách. Hàng ngày ngắm nghía không chán mắt. Lòng những ước ao có thêm một chiếc nữa. Chàng lại luôn luôn băn khoăn không biết nguồn gốc chủ nhân chiếc hài này là ai? Và vì duyên cớ chi mà lại chìm đắm giữa hồ.

Một buổi chiều thu, hoàng hôn vừa chấm đất, cơm nước xong Trần quân đang nằm trên đi văng, hút thuốc lá. Công tử vẫn phân vân ngẫm nghĩ về câu truyện chiếc vân hài cô đơn. Bỗng nhiên một chiếc xe hơi lộng lẫy xịch đậu trước cửa biệt thự nhà chàng. Một thiếu phụ Trung Hoa trẻ đẹp áo xiêm sang trọng xuống xe, gót sen lững thững bước vào.

Công tử Trần Phong vội sửa sang lại y phục ra nghênh tiếp. Sau khi thi lễ và an tọa, khách má đào xưng danh là Thôi Quách Lan, một vũ đạo sư hữu hạng, người Trung Quốc sang Việt Nam đã lâu. Một chiều kia trời quang mây tạnh, cảnh vật nên thơ, nàng đi bơi thuyền trên Hồ Tây với bạn hữu, nhỡ tay đánh rơi xuống nước một chiếc vân hài. Nay trộm nghe chủ nhân mua được qua tay một ngư ông, nên tìm lại thương lượng xin chuộc hài về. Trần Phong vui vẻ nhận là có và đưa chiếc vân hài đã mua được cho nữ khách xem. Thoáng trông, nàng đã công nhận là đúng sở hữu của mình và mở làn lấy ra một chiếc cũng giống như hệt.

Thật là thỏa lòng mong mỏi. Chiếc hài lẻ loi đã trở nên đôi lứa. Và Trần quân cũng mãn nguyện được giáp mặt chủ nhân. Nhan sắc chim sa cá lặn của nàng, khiến xoay tâm hồn người trai bất định, chưa biết xử sự ra sao. Chàng cảm động nói:
- Bấy lâu tôi vẫn tâm tư về nguồn gốc chiếc vân hài này. Lòng tự nhủ lòng, duyên cớ vì đâu lại nằm dưới đáy hồ, ngàn thu lạnh lẽo. Nay gặp chủ nhân tình đã sở nguyện, thực là vui mừng thấy châu về hợp phố.
- Đa tạ mỹ ý của quý nhân.
- Và ta cũng mong cô nương chỉ giáo cho biết tại sao người kim lại đi hài cổ.
- Công tử thắc mắc thật là chí phải. Tổ mẫu xưa là một mệnh phụ có để lại đôi hài này. Cho nên thỉnh thoảng đem ra dùng, để tưởng nhớ công đức tiền nhân.

Trần quân vốn người phóng túng, đường nhân duyên vẫn còn chưa định. Thấy khách vẻ người nhan sắc thùy mỵ, cử chỉ đoan trang, nên có ý muốn cầu thân. Bèn ngỏ lời:
- Thưa cô nương đáng lẽ hôm nay vật kia phải hoàn về cố chủ. Nhưng vì bấy lâu đã quen mắt ưa nhìn. Nên chăng cũng là một kỷ niệm đẹp trong đời đã may mắn được hài và lại gặp cô nương. Thỏa lòng mong mỏi bấy nay! Vậy xin cô nương hảo tâm cho lưu đôi hài lại ít bữa, để tôi thuê thợ đóng một đôi thứ hai, làm lưu niệm về sau. Hoặc giả có lòng tặng lại đôi hài này thì tôi xin thành tâm gửi cô nương một khoản tiền xứng đáng với giá trị của quý vật.
- Đã có người Pháp sành chơi đồ cổ trả chúng tôi tới một vạn đồng.
- Nếu tôi hân hạnh làm chủ đôi hài thật không tiếc gì một số tiền gấp mười lần như vậy.
- Thiếp nói để mua vui cùng công tử mà thôi. Không bao giờ thiếp nghĩ đến sự mua bán, mặc dầu có nhiều người thường đến vật nài. Nay thấy công tử là người chí tình, thì tôi cũng chỉ còn lẻ loi một chiếc. Bởi vậy lòng thiếp chân thành xin biếu công tử chiếc hài còn lại, đừng bận gì đến chuyện tiền nong để thiếp được vui lòng.  u cũng là thuận lòng trời, quý vật tầm quý nhân vậy.

Công tử Trần Phong hoan hỉ chắp tay đa tạ người giai nhân mã thượng. Và không quên hỏi địa chỉ nữ khách để đến thăm đáp lễ. Nàng trả lời hiện đang ở với thế huynh, chi có sự bẩm mệnh nên chưa dám tự tiện mời khách về nhà cho địa chỉ. Nàng hẹn đến Chủ Nhật sau, sẽ xin được phép và đích thân lại mời chủ nhân về nhà mình chơi.

Khách từ giã ra về. Trần quân không tiễn chân đến tận xe hơi. Xe đã lăn bánh xa xa mà chàng còn nhìn theo như muốn ướp lấy mùi hương và ghi nhận lấy hình ảnh, cùng câu nói tiếng cười.
Bảy ngày đêm, đối với Trần Phong lúc này dài chừng mấy tháng. Hàng ngày, chàng lo sửa soạn lau chuốt phòng khách để đón người đẹp tặng hài.

Chiều Chủ Nhật sau, đúng giờ hôm trước, mỹ nhân lại đến. Công tử Trần Phong đã đứng sẵn cổng ngoài để đón khách vào nhà. Khách nói được lệnh thế huynh tới mời chủ nhân lại chơi và giục về ngay. Như mở cờ trong bụng, Trần Phong lên xe ngồi bên cạnh mỹ nhân. Nàng lái xe chạy nhanh như gió cuốn. Trần Phong có cảm giác như là bay giữa trời xanh, thích thú nhưng ghê rợn. Chàng nghĩ thầm nếu chẳng may xảy ra tai nạn thì chàng mong sẽ chết ngay bên cạnh người đẹp, chớ đừng có trông thấy nàng hóa ra người thiên cổ.

Xe chợt dừng bánh. Đứng lại trước cửa một biệt thự trông có vẻ trang nhã và trầm lặng. Nghe tiếng xe về, bảy người trong nhà đã chạy ra, ríu rít kẻ trước người sau. Đa số là thanh nữ người nào cũng tươi đẹp lịch sự vồn vã vây lấy Trần Phong, coi như một người nhà mới đi xa vắng về.
Mọi người vui vẻ kéo nhau vào. Trong phòng khách bày biện đồ đạc Trung Quốc, trên tường treo những tranh thủy mặc và các câu đối viết bằng chữ Hán. Cái mà làm cho Trần Phong lưu ý nhất là những tấm thêu rực rỡ những điệu múa hoa sen và múa hái chè bắt bướm. Một tiệc thịnh soạn bắt đầu. Nhiều thứ rượu Trung Quốc và món ăn mà họ Trần chưa hề được dùng đến. Trong tiệc rượu, bàn luận toàn chuyện nhạc vũ và văn thơ rất nên sở trường và ý hợp tâm đầu với Trần quân. Các chủ nhân cũng thật vui nhộn. Họ chơi sáo rất hay, giọng hát điệu múa đã nên kỳ diệu.

Trần Phong thỏa mãn trước cảm tình nồng nhiệt của mọi người và riêng với sắc đẹp của mỹ nhân chàng đã không từ chối cạn một chén mời nào. Say mềm chàng chuệnh choạng bước lên xe và nàng lại lái đưa chàng về chốn cũ.

Trên xe Trần Phong nhạt dần hơi men. Thấy xe đi như gió chàng tỉnh hẳn rượu chăm chú nhìn người đẹp, hai tay nàng đặt lên chiếc vô lăng. Còn nàng thản nhiên nhìn thẳng về phía trước. Đến khi xe đỗ trước cửa, chàng nghe phanh rít lên, mới tỉnh giấc mơ màng và miễn cưỡng mở cửa xuống xe. Khách nói bận, kiếu từ xin đi ngay. Bước chân đến thềm nhà, Trần Phong vội tự trách mình đã quên không hỏi địa chỉ và nhớ số xe.

//static.kites.vn/upload//2021/23/1623466266.288883b10ae3653e9d59bd71885e8de9.jpg


Trên giường nằm, chàng công tử si tình đã trăm mối tơ vò. Nàng đẹp lái xe vừa đáng yêu, vừa đáng mến, lại vừa kỳ quặc. Bọn thanh niên nghệ sĩ hành tung thật phóng túng làm sao? Chàng lại nghĩ đến đôi hài với cử chỉ trọng tình, khinh của. Chàng chợt giật mình, nếu một khi nàng không trở lại, thì thật là bóng chim tăm cá không biết đâu mà tìm nữa. Nhưng chàng lại tự tin giai nhân sẽ đến với chàng.


Ngày hôm sau, chàng đi mua một cái đỉnh trầm bằng bạc khảm đồng đen. Về để ở giữa nhà, chàng chỉ đợi mỹ nhân tới sẽ đem tặng đáp lễ làm thân.

Nhưng chốc đà hai tháng qua, nàng không lại. Ngày ngày chàng đem đôi hài ra chải chuốt, hoặc trông đỉnh trầm mà mong đợi ý trung nhân. Chàng không đi đâu, lúc nào cũng y phục chỉnh tề ngồi đọc sách ở phòng khách mà nhìn ra cửa. Đêm ngủ, chàng ôm đôi hài vào ngực mà ôn lại những truyện thần thoại và yêu ma. Nhưng không, nàng đúng là người! Nàng rất thùy mỵ đoan trang và cao quý. Đêm khuya, chàng thường thắp nén hương cầu nguyện cho nàng sớm trở lại, kết đẹp mối lương duyên. Chàng buồn và đóng cửa không tiếp khách nữa. Dần dần mất ăn mất ngủ và trở nên vàng vọt mệt mỏi đến liệt giường, thuốc nào cũng không qua khỏi. Gia đình lo lắng…

Cho đến một đêm vào khoảng đúng giờ cũ, mỹ nhân lại dừng xe trước cửa. Nghe tiếng nàng, chàng sung sướng tỉnh người. Trông thấy nàng, chàng cảm như bệnh đã thuyên giảm quá nửa. Vào thẳng chỗ chàng nằm, khách để tay lên trán bệnh nhân. Nàng xin lỗi vì bận gấp đi xa nên không đến thăm luôn.
Chàng nói:
- Tôi mong cô nương không kể ngày đêm.
Nàng đáp:
- Quý chủ nhân gầy quá.
- Khao khát trông thấy mặt cô nương.
- Dạo này rỗi, tôi sẽ đến thăm quý nhân luôn cho đến khi qua khỏi bệnh.
- Xin đa tạ thịnh tình. Hôm nay, cô nương đến lại cho tôi ngỏ nỗi lòng hồi lâu.
- Xin lĩnh ý.

Trong khi đàm đạo, chàng kể hết mọi nỗi nhớ nhung về những ngày qua. Chàng cũng không quên nhấn mạnh rằng nếu nàng muộn đến thì chàng chẳng tiếc tuổi xuân mà liều sớm thác xuống tuyền đài, chút tình tuyệt vọng mong khách má đào đoái thương cho cùng kết tóc xe tơ. Nàng yên lặng ngồi nghe sắc mặt nghiêm nghiêm làm ra vẻ thản nhiên đưa làn mắt qua cửa sổ. Sau khi để chàng kể hết, nàng dịu dàng trả lời.
- Thiếp đã nghe trọn và thấu hiểu nỗi lòng người quân tử. Song đường đời nhiều khúc éo le, thiếp mong quý nhân gìn vàng giữ ngọc. Đợi khi bình phục, thiếp sẽ xin giãi bày tâm sự.

Đoạn nàng từ giã ra về. Đêm sau, nàng đến và luôn mấy đêm liền. Nhờ vậy Trần Phong khỏi bệnh đi lại như thường. Chàng mừng rỡ định thiết tiệc mời bọn nghệ sĩ. Nhưng bẵng đi mấy hôm nàng không đến, chàng buồn rầu và muốn ốm trở lại. Thì chợt nàng lại đến. Chàng như bắt được vàng, mọi bệnh tưởng như tiêu tán cả. Lời hàn huyên vừa dứt, chàng đã tha thiết nhắc lại chuyện cầu hôn bữa trước. Nàng lại tươi cười xin cho phép thong thả để nghĩ chín rồi sẽ trả lời sau.

Trần Phong cảm biết nàng tìm cách thoái thác dần dần, bèn xúc động rùng mình mà ngất đi. Tỉnh ra, thì chàng thấy nàng đang ngồi sát bên cạnh mình mà đổ thuốc cho và cả đám người nghệ sĩ gặp trên bữa tiệc cũng đều có mặt. Trần Phong lấy làm lạ lùng. Nhưng không dám hỏi ra trước sự trông nom quá chu đáo của mọi người đối với mình. Bọn nghệ sĩ thấy Trần Phong đã hồi tỉnh, liền cáo từ xin rút lui và hẹn tối mai sẽ lại.

Trước giờ, Trần Phong đã thay hoa mới ngồi trông đợi khách. Nàng Thôi Quách Lan, người trong mộng của chàng đến cùng với một nghệ sĩ già. Nàng nói:
- Thưa công tử, việc chúng tôi tới lui thăm công tử trong những ngày gần đây, đã đem lại cho công tử một nỗi buồn. Chúng tôi xin nhận trách nhiệm. Đồng thời, xin nói ra sự thật. Bọn nghệ sĩ chúng tôi vốn trong đoàn văn công Trung Hoa sang biểu diễn tại thủ đô miền bắc. Một buổi chiều, cùng anh chị em trong đoàn đi bơi tắm trên mặt Tây Hồ.

Đột nhiên, một cơn gió lốc đùng đùng nổi lên trong khoảnh khắc. Trận gió thổi mạnh hết thần lực xoáy mặt nước hồ xuống sâu thăm thẳm, hút luôn mấy chiếc thuyền của chúng tôi theo. Chín người đắm ngọc chìm châu, hồn lìa khỏi xác.

Trong khi chúng tôi đang đi tìm hài cốt và di vật nhất là riêng chiếc vân hài thì duyên trời xui cuộc gặp gỡ cùng công tử…
Nhận thấy công tử là khách đa tình đã rỏ nước mắt thương cảm chiếc vân hài lẻ loi và người  mệnh bạc không tên tuổi, nên nghĩ tình đồng thanh khí lại thăm chơi, biếu chiếc hài còn lại, không ngờ nặng tiền kiếp mà gieo nên tình lụy. Dám mong lấy lý trí mà xét lại vấn đề.

Trần Phong không nghĩ ngợi nói luôn:
- Ta sẽ thác đi thành người thiên cổ để gần nàng.
- Công danh sự nghiệp chàng còn dài, nhiệm vụ đối với quốc dân còn lớn. Không nên vì chút tình hư ảo với người kiếp trước mà quên nghĩa vụ làm người thời nay. Vả chăng, chúng tôi gần đây cũng trở về Trung Quốc vì bên ấy nên độc tài đã chấm dứt và trở lại thịnh trị hòa bình. Vậy thiếp cũng không thể nào còn ở đây với công tử nữa.
- Như thế thì ta không tài nào sống được.
Thôi Quách Lan vừa trao cho chàng bức tranh nàng đem theo, vừa nói:
- Không sao! Dám mong người quân tử yên lòng, thiếp đã nghĩ kỹ để thu xếp cho nguôi phần tình cảm. Những người sống trong tinh thần như chúng ta, chắc không bao giờ để ý đến những thế tục tầm thường. Vậy nên, thiếp đã vẽ lại chân dung thiếp để gửi lại cho chàng làm kỷ niệm. Tranh này sẽ thay thiếp trọn đời bên người quân tử…

Trần Phong mở tranh ra xem. Nét bút thần kỳ trong tranh nổi bật lên, trông như thể người sống thực. Chàng trầm ngâm suy nghĩ…
Người thật, người vẽ trong tranh.
Ái tình và nghĩa vụ…
Chàng run run nói:
- Ta xin cám ơn cô nương đã chỉ cho con đường mới và xin gìn giữ bức tranh này tới khi nhắm mắt.
Người đẹp và cả người nghệ sĩ bỗng biến đi. Chiếc xe hơi lộng lẫy ở ngoài cổng cũng không còn nữa...

[Đón đọc nhiều hơn với những tác phẩm tản văn sưu tầm tại chuyên mục đọc truyện của kites bạn nhé!]
0 bình luận
Sắp xếp: 
Thêm bình luận ...