[Tản văn] Em đã thề rồi...

| 391|lebogia
Lục kho sách cũ của gia đình, phát hiện mẩu truyện khá hay, muốn chia sẻ cùng các bạn. Hi vọng sẽ mang đến cho các bạn một niềm vui nho nhỏ!

EM ĐÃ THỀ RỒI…
của Phạm Cao Củng


//static.kites.vn/upload//2021/23/1623466265.89035cb3e4465e91cad0e35f52625550.jpg


Hôm đó, tôi đến dự buổi lễ kỷ niệm Đệ thập chu niên trường Hướng nghiệp cho những phụ nữ trước đây trụy lạc nhưng bây giờ muốn làm lại cuộc đời…

Buổi lễ thực ra cũng không có gì đặc biệt khác với những lễ kỷ niệm vào loại đó, nhưng cặp mắt tò mò nhà báo của tôi đã để ý đến một chỗ khá… lạ lùng. Nguyên sau những bài diễn văn thường lệ, sau cuộc phát phần thưởng cho những nữ học viên được nhiều điểm nhất, bà Hiệu trưởng có dẫn các quan khách đi xem trường. Tôi thấy đây là một biệt thự rộng lớn, sắp đặt lại thành trường, rất là ngăn nắp quy củ, từ phòng học may thêu, học dệt vải, học nấu ăn, đến phòng ăn, phòng ngủ, đâu đâu cũng sạch sẽ chu đáo vô cùng. Nhưng tôi đã để ý đến một căn phòng, lạ lùng ở chỗ cửa phòng bịt kín bằng một tấm sắt, hàn liền vào với khuôn cửa, vết mối hàn hãy còn lồi lõm, không hề được rũa nhẵn đi. Thấy căn phòng bịt kín ấy khá bí mật lạ lùng, tôi đã chờ dịp hỏi riêng một bà giáo dạy trong trường thì bà ta lắc đầu, bảo tôi rằng:

- Chẳng phải riêng tôi mới tới được đã được ba năm, không rõ, mà chính ngay bà hiệu trưởng đã từng trông nom ngôi nhà trường này đã chín, mười năm rồi, cũng không hiểu rằng trong căn phòng đó chứa đựng gì, và vì cớ sao, cửa phòng hàn kín lại một cách vô cùng kiên cố như vậy.
Tôi suy nghĩ giây lát rồi hỏi tiếp:
- Coi cách kiến trúc thì trường này giống hệt một biệt thự của nhà hào phú, vậy có lẽ nơi đây chẳng phải được dựng lên cốt để mở trường?
Bà giáo gật đầu đáp:
- Ông nói đúng. Tôi có được nghe bà hiệu trưởng thuật lại thì ngôi biệt thự này nguyên là của bà vợ góa ông Dương Thi…
Tôi ngắt lời:
- Có phải Dương Thi chính là nhà doanh thương triệu phú trước kia đã bị thiệt mạng vì một tai nạn trên dốc đèo Blao thì phải?

Bà giáo gật đầu:
- Vâng, sau khi ông Dương Thi tử nạn tại Blao, thì bà quả phụ tỏ ra chán nản cuộc đời, cho non chục gia nhân tôi tới nghỉ việc với một số vốn đủ để sinh cơ lập nghiệp, còn ngôi biệt thự này thì bà cho khóa cổng lại, mặc cho cổ mọc, rêu phong…
Tôi sực nhớ lại, nói rằng:
- Nghe nói hình như bà quả phụ họ Dương đã thề phát đi tu?
Bà giáo gật đầu:
- Vâng, bà đi tu, và sau hai năm, có lẽ bà đã vì ưu phiền tư lự quá độ, nên cũng từ trần. Trước khi nhắm mắt, bà có làm chúc thư để lại: bao nhiêu tiền bạc châu báu bà quyên cho các hội thiện, còn ngôi biệt thự này thì bà tặng Chính phủ để mở một trường Hướng nghiệp dạy nghề giúp đỡ các chị em trụy lạc làm lại cuộc đời lương thiện vui tươi. Đặc biệt một điều là trong di chúc, bà có buộc một điều kiện rằng: ngôi biệt thự này không được phép sửa chữa, xây dựng thay đổi lại chút nào.
Tôi lẩm bẩm gật đầu:
- Có lẽ vì điều kiện này mà căn phòng bịt kín kia, không ai hiểu rõ được trong đó có xếp chứa những thứ gì…

***

//static.kites.vn/upload//2021/23/1623466266.288883b10ae3653e9d59bd71885e8de9.jpg



Tôi đã lưu lại thành phố này thêm mấy ngày, không ngoài mục đích để tìm tòi cho được thỏa trí tò mò… Tôi nhất định dò hỏi cho biết những bí ẩn giấu kín trong căn phòng kì lạ kia, và may mắn, tôi cũng đã được thỏa mãn nhiều phần…

Tôi đã có công phu đi hỏi nhiều người đã sinh trưởng trong vùng này từ lâu. Tình cờ, tôi tìm gặp được bác Năm Hàn, một dân địa phương kỳ cựu hồi mười năm trước đây, có một tiệm lãnh mọi việc hàn hơi gió đá (hàn sì) cách xa ngôi biệt thự kia, chưa đầy 100 thước!
Tôi đã gặp bác Năm Hàn giữa lúc bác đương ngồi khề khà chén rượu với con khô mực nướng.
Bác gật gù bảo tôi rằng:
- Xin thú thiệt với thầy rằng, câu chuyện này quả thực tôi chưa hề thuật lại cho ai nghe hết. Tuy nhiên, không phải vì thề mà tôi quên lãng đi đâu; những việc xảy ra đã ngoại mười niên, mà lúc nào cũng còn như hiển hiện ở trước mắt tôi vậy. Bây giờ, thời gian qua, những người trong cuộc không còn nữa, tôi nghĩ rằng: tôi kể chuyện lại cũng chẳng có hại gì hơn nữa, may ra tôi lại có thể vì thề mà bớt bị ám ảnh bởi những hình ảnh rùng rợn khi xưa chăng?

Ngưng lại chốc lát, tợp một hơi rượu đế, bác Năm Hàn lại tiếp:
- Hôm đó, cũng đúng vào giờ này, nghĩa là lúc cơm tối, tôi đương ngồi ăn nhậu ung dung, định say sưa rồi đi ngủ một giấc ngon lành cho lại sức để rồi ngày mai làm việc thì anh Bảy người nhà đằng ông Dương Thi lại kiếm tôi bảo:
- Ông chủ tôi kêu anh Năm lại, cùng với đồ hàn, để làm ngay công việc gấp.
Tôi lắc đầu:
- Giờ này, nghỉ ngơi rồi, việc gấp thì cũng phải để sớm mai có hơn không?
Anh Bảy vẫn thúc giục tôi:
- Không, ông chủ tôi nói việc gấp lắm, không trì hoãn được, và anh muốn tính bao nhiêu tiền công cũng được, ông chủ tôi chịu hết!

Tôi phải  thú thiệt ngay với ông rằng: căn phố của tôi ở cũng dựng trên khoảnh đất của ông Dương Thi, vì thế mà tôi cũng nể ông lắm. Một phần do đó mà tôi cũng chịu dẹp bữa nhậu, thu xếp đồ nghề để qua bên đó, trong lòng thầm nghĩ không hiểu việc hàn đó là việc gì mà ông cần gấp giữa đêm khuya thế này?
Ngắt lời Năm Hàn, tôi nói:
- Anh Năm, nếu tôi không đoán lầm thì ông Dương Thi kêu anh cốt để bảo anh hàn cho chiếc cửa phòng kia!

Anh Năm gật đầu, chậm rãi kể tiếp:
- Đúng đó, nhưng việc xảy ra lạ lùng khó ai có thể tưởng tượng được, để rồi tôi kể tiếp ông nghe…
Khi tôi mang đồ nghề tới biệt thự Dương Thi, thì anh Bảy, theo lời dặn trước, đã đưa tôi ngay vào gặp ông chủ. Có lẽ vì linh tính, vừa bước vào căn phòng giấy của nhà nghiệp chủ Dương Thi thì tôi cảm thấy ngay nơi đây có một không khí vô cùng nặng nề u uất. Trong căn phòng rộng rãi, ông Dương Thi, hai tay khoanh trước ngực, đương đi đi lại lại, như có ý vừa suy tính lại một việc hệ trọng gì, vừa chờ đợi ai… Bà Dương Thi, một thiếu phụ trẻ đẹp, với cặp mắt u buồn, đương đứng chống tay vào cạnh bàn giấy của chồng, nét mặt lo lắng, sợ hãi, hết liếc trộm nhìn chồng, thì lại ngóng về phía cửa buồn ngách.

Ngừng lại một phút, anh Năm Hàn lại tiếp:
- Trước đây, đã có vài lần tôi tới biệt thự Dương Thi giúp việc, nên biết rõ căn phòng làm việc này có thông qua một căn phòng bên, nhỏ hơn, kín mít, không có cửa sổ nào, vì nơi đây, ông Dương Thi dùng làm chỗ chứa đựng hết thảy những giấy tờ, tài liệu quan trọng của ông. Khi ông Dương Thi thấy tôi tới thì lộ vẻ vui mừng, nói: Hay lắm, tôi chỉ sợ anh đi chơi vắng, không gặp được anh thôi! Mà công việc của tôi thì cần gấp… Anh hãy xuống nhà kho, kiếm một tấm sắt dày bằng cửa phòng tài liệu này, rồi anh mang qua đây… Không để tôi hỏi thêm gì, ông hối tôi và bọn người nhà xuống nhà kho lấy sắt. Tôi để ý trong khi ông Dương Thi bảo tôi, thì bà vợ lại càng lộ thêm vẻ sợ hãi hơn nữa…
Một lát sau, tấm sắt đã được khiêng lên tôi thấy vợ chồng ông Dương Thi vẫn như đứng nguyên nơi chỗ cũ, cặp mắt như hờm hờm nhìn nhau, chẳng khác một đôi địch thủ trên võ đài sắp sửa sáp vô giao đấu… Ông Dương Thi liếc nhìn tấm sắt, rồi lại nhìn cửa phòng tài liệu, lẩm bẩm gật gù như có vẻ đắc ý lắm. Ông bảo chúng tôi dựng tấm sắt lên, đặt kín vào cửa phòng này, kế đó, ông ra lệnh cho hết thảy gia nhân ra khỏi, trong phòng giấy riêng chỉ còn hai vợ chồng ông và tôi mà thôi. Kế đó, ông móc túi, để lên bàn một sấp giấy bạc, rồi nghiêm giọng bảo tôi rằng:
- Anh Năm, tôi vốn biết anh là người đứng đắn, có thể tin cậy được, tôi mới giao phó cho anh công việc hệ trọng này. Nhưng anh cần phải hứa chắc chắn với tôi rằng, từ lúc này trở đi, cho tới khi anh làm xong công việc, ra khỏi đây, thì tuyệt đối anh phải giữ bí mật mọi sự, không được kể lại cho một người nào biết những việc gì anh đã làm và những gì anh đã được trông thấy và nghe thấy. Lẽ tất nhiên, sau đây, tôi phải đền bù cho anh một số tiền xứng đáng, anh chẳng sợ bị thiệt thòi…
Tôi hơi ngần ngại, giây lát mới nói:
- Nếu là việc không trái với lương tâm tôi…
Ông Dương Thi ngắt lời tôi, liếc nhìn vợ và cười nhạt:
- Anh yêu chí, việc này làm là do sự thỏa thuận hoàn toàn của vợ chồng tôi!
Và sau đó, ông ra khóa trái cửa phòng lại, kế bước đến bên vợ, nhìn thẳng vào mặt bà, và nói:
- Em nên suy nghĩ cho kỹ… Anh chỉ muốn biết chắc rằng hồi chiều tối, không có ai đến phòng này…

Bà Dương Thi gật đầu, và ông chồng tiếp ngay:
- Huỳnh Tân không có tới đây?
Bà Dương Thi gật đầu:
- Em biết anh đã để tâm dò xét, và anh hẳn đã thấy có tới trên một năm nay, Huỳnh Tân không hề được giáp mặt em lần nào cả…
Ông Dương Thi như cố gằn nén mọi nỗi căm hơn đương tràn ngập trong lòng một người  chồng đương trong cơn ghen dữ dội.
- Vậy chỉ còn một câu hỏi sau cùng này nữa:
- Em có thể lấy danh dự dòng họ Vượng mà thề rằng: hiện trong căn phòng này, cũng như căn phòng mà anh để chứa tài liệu kế bên đây, không hề có một ai hết, trừ chúng ta có mặt nơi đây?
Bà Dương Thi cắn môi, như có một giây lưỡng lự.

Mặt bà xám đi, và tay bà hơi run run. Nhưng bà cũng quả quyết đáp:
- Em thề rằng không có ai hết!
Ông Dương Thi nghiến răng lại, và hùng hổ kéo tay tôi đến trước căn phòng bên, miệng bảo:
- Nếu vậy thì anh với tôi, chúng ta thử mở cửa vào trong căn phòng này…
Nhưng bà Dương Thi đã đứng cản trước mặt chúng tôi. Bà như phần sợ hãi, phần cương quyết:
- Không! Anh không cần mở ra xem… Em đã thề rồi!
Ông Dương Thi nhìn vợ bằng một cặp mắt rất lạ lùng, giây lâu, ông bật cười lên, nghe thực rùng rợn.
- Hay lắm! Em đã thề rồi, và lời thề của dòng họ Vượng đâu phải là vô giá trị! Em đã thề rồi, vậy thì anh tin em… và anh không vào căn phòng này làm gì nữa! Anh tin chắc chắn rằng trong căn phòng tài liệu này, không có một ai hết…
Quay ngoắt lại phía tôi, ông bỗng ra lệnh:
- Anh Năm, anh hãy hàn bít cửa phòng này lại cho tôi…
Và ông nói tiếp, với một giọng dọa nạt:
- Công việc phải làm trọn xong xuôi cẩn thận, rồi anh mới có thể ra khỏi được phòng này…

Kể tới đây, anh Năm Hàn lau mồ hôi trên trán, một lát, anh lại tiếp:
Thế là như một cái máy, tôi cắm cúi ngồi hàn. Suốt trong khoảng mấy tiếng đồng hồ sau, tôi không thấy bà Dương Thi nói một câu nào, chỉ có một lần, bà đột nhiên toan tiến bước lại chỗ tôi, thì ông Dương Thi cản lại, dằn từng tiếng bảo:
- Em chớ quên, em đã thề rồi!
Suốt trong mấy tiếng đồng hồ nặng nề ghê gớm ấy, tôi chỉ nghe, thấy có một câu nói sắc bén như lưỡi dao chém đá đó thôi!
Tôi nghe đến đây, ngắt lời anh Năm:
- Sau còn xảy ra việc gì lạ lùng nữa không?
- Không, không có gì hết cả. Sau khi hàn xong, ông Dương Thi trả tiền tôi, và kế đó, như người ta đã biết ít lâu sau: ông Dương Thi chết, bà Dương Thi cắt tóc đi tu…
Tôi gật đầu:
- Đó là chỗ mọi người biết, nhưng còn anh?
- Tôi chỉ biết thêm được những việc đã xảy ra trong căn phòng đêm ấy và tôi thuật lại cho thầy nghe… Tôi chỉ còn quên chưa nói: lúc tôi khiêng đặt tấm sắt vào khuôn cửa, hình như qua khuôn kính, tôi thoáng như thấy bên trong có bóng người…
- Hay là trong đó có Huỳnh Tân?
- Bây giờ thì tôi cũng ngờ như vậy.
- Anh Năm ở gần cận đây cũng lâu, chắc biết rõ mối liên lạc giữa Huỳnh Tân và vợ chồng Dương Thi?
- Tôi nghe nói Huỳnh Tân là người bạn tình của bà Dương Thi trước khi bà lấy nhà doanh thương này. Sau hôn lễ bà không hề gặp gỡ họ Huỳnh nữa, nhưng tôi ngờ rằng, khi xảy ra việc này Huỳnh Tân sửa soạn khởi hành ra ngoại quốc, nên rất có thể, theo lời cầu xin của Huỳnh, bà Dương Thi, nhân lúc vắng chồng, cho Huỳnh đến gặp bà một lần chót.
Tôi gật đầu:
- Anh đoán đúng. Tôi lại ngờ ông Dương Thi về đột nhiên làm cho bà sợ hãi, vội vàng giấu Huỳnh vào trong căn phòng chứa tài liệu kia… Rồi vì danh dự dòng họ, bà đã phải thề để cho chồng khỏi mở cửa phòng, sự thật không vỡ lở. Huỳnh Tân cũng biết lỗi tại mình, và vẫn còn muốn giữ danh dự cho người mình vẫn còn yêu thương thà chịu chết chớ không lên tiếng…

Anh Năm gật đầu.
- Thầy nói rất trúng ý tôi… Thế là ông chồng ghen tuông kia đã trả được mối hận lòng. Nhưng chắc ông cũng không sung sướng gì, lương tâm ông cũng cắn rứt vì việc làm quá độc ác kia, nên vì chẳng bình tĩnh ông lái xe đã gây nên tai nạn… Chỉ báo hại cho tôi, sau việc này tôi không sao quên được cảnh tượng hãi hùng đêm đó, tôi nhớ mãi cái nhìn sợ hãi, lo âu nhưng không kém phần cương quyết của thiếu phụ đáng thương kia, đến nỗi tôi đổi nghề, chẳng còn muốn cầm tới ống hơi mà hàn nữa!

[Đón đọc nhiều hơn với những tác phẩm tản văn sưu tầm tại chuyên mục đọc truyện của kites bạn nhé!]
0 bình luận
Sắp xếp: 
Thêm bình luận ...