Hồng Lâu Mộng: 7 việc lớn phải làm tươm tất trong lễ đón năm mới

| 607|_Mốc_
Thời xưa, bất kể là dân gian bách tính hay người nhà đại tộc giàu có đều coi trọng một cách lạ thường những ngày lễ Tết truyền thống của Trung Quốc như Tết Đoan Ngọ, Tết Trùng Dương, Tết Trung Thu và Tết Nguyên Đán. Nhất là nhà hào môn quý tộc thường chú trọng nhiều tập tục thì nhất định phải đón Tết linh đình, dù cho gặp khó khăn đi chăng nữa cũng sẽ tuyệt đối không qua quýt sơ sài.

//static.kites.vn/upload//2021/16/1619073822.c7abc732abf9407c6af8d5ea0fe9bd23.jpg

       
Hồng Lâu Mộng là một bộ tiểu thuyết vĩ đại nói về tình và đời, trong đó không chỉ viết về tình yêu, tình thân, mà còn viết về thi từ ca phú, kiến trúc hội họa âm nhạc… không gì không có, đương nhiên cũng không thiếu những chi tiết phản ánh tập tục đón Tết chẳng hạn. Về việc ăn Tết, trong Hồng Lâu Mộng có ba cái Tết không thể không nhắc đến là Tết Trung Thu, Tết Nguyên Tiêu, Tết Nguyên Đán. Hôm nay chúng ta xem thử Giả phủ đón Tết Nguyên Đán như thế nào.

Nguyên tác hồi 53 có một đoạn dài miêu tả cặn kẽ về việc đón Tết Nguyên Đán, tiêu đề chương này là "Đêm giao thừa, phủ Ninh tế tổ tiên; tối Nguyên Tiêu, phủ Vinh mở yến tiệc". Tào công đem hai ngày lễ lớn là Tết Nguyên Đán và Tết Nguyên Tiêu gộp vào một chương, qua việc miêu tả hai ngày Tết này để miêu tả một cách tinh tế và sâu sắc giai đoạn huy hoàng cuối cùng của Giả phủ. Bây giờ chúng ta chỉ bàn về đoạn tả Tết Nguyên Đán.

Sau khi đọc hết các đoạn mô tả việc đón Tết Nguyên Đán trong hồi này, tôi đúc kết ra bảy việc bắt buộc phải làm phải làm trong dịp đón năm mới ở Giả phủ, việc nào trong số đó cũng quan trọng và đều không thể làm qua loa.

1. VIỆC THỨ NHẤT: LĨNH TIỀN THƯỞNG TẾ XUÂN CỦA VUA BAN

Trong nguyên tác viết rõ thế này: Giả Trân hỏi Vưu thị: “Tiền thưởng tế xuân của nhà chúng ta đã lĩnh chưa?”. Vưu thị nói: “Hôm nay tôi đã sai cậu Dung đi lĩnh về”. Giả phủ sở dĩ có thể lĩnh ân thưởng vì đó đều là tổ ấm từ hai vị Ninh Quốc Công và Vinh Quốc Công. Phủ Ninh có, phủ Vinh đương nhiên cũng có, có thể nói chính là nhờ hai vị tổ tiên Ninh Quốc Công và Vinh Quốc Công liều mạng giành về.

Tiền thưởng tế xuân chính là phần ngân lượng dành cho việc thờ cúng mà hoàng đế ban thưởng cho các quan viên được chức quan nhờ ấm ân của cha ông, cũng chính là ơn vua ban.

Bạc thưởng tế xuân tuy không nhiều lắm, nhưng cũng đủ thể diện, dùng tiền này vào việc tế tổ tiên thì cũng rất sang chảnh rồi, giống như Giả Trân nói: "Nhà ta tuy không phải chờ mấy lạng bạc ấy mới có tiêu, nhưng ít nhiều cũng là ơn vua. Đi lĩnh ngay mang về đây, rồi đưa sang bên kia để cụ nhìn, mua đồ cúng lễ, tỏ lòng trên đội ơn vua, dưới nhờ phúc tổ. Chúng ta cúng tổ hàng vạn bạc cũng không sợ, nhưng suy cho cùng vẫn không bằng mấy lạng bạc này, vừa có thể diện lại được thấm nhuần ơn vua.”

Xem ra, phần tiền thưởng tế xuân này tương tự với tiền thưởng cuối năm thời nay, một năm phát một lần, đặc biệt dành cho đối tượng công thần và anh hùng đã hi sinh có những đóng góp nổi bật cho đất nước. Tuy là không nhiều tiền lắm, nhưng phần ưu ái này không phải ai cũng có. Nói cách khác, hàng năm có thể lĩnh tiền thưởng tế xuân, chí ít cũng nói rõ rằng Giả phủ vẫn như cũ chưa thất sủng, hoàng đế vẫn đặc biệt chiếu cố như xưa.

2. VIỆC THỨ HAI: ĐÃI KHÁCH ĂN UỐNG

Đãi khách ăn uống là lễ tiết ắt không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên Đán, nhà giàu có quý tộc như Giả phủ, ngày thường đàm đạo với bậc uyên bác, người hay lui tới cũng không phải dân thường, kết giao với toàn là vương công quý tộc, do đó đãi khách đương nhiên cũng chỉ luẩn quẩn trong vòng xã giao này

Trong nguyên tác, Giả Trân nói với Giả Dung: "Mày tiện thể qua chỗ thím Hai Liễn hỏi xem, tháng Giêng này bên ấy đã định ngày mời khách uống rượu Tết chưa? Nếu định ngày rồi, phải bảo thư phòng viết rõ ra giấy mang về đây, để đến khi chúng ta mời khỏi bị trùng vào.”

Từ đó có thể biết, việc đãi khách uống rượu Tết là lệ đón năm mới từ xưa đến nay của hai phủ Vinh, Ninh. Thời gian đãi tiệc của hai bên lại phải cách ra, không thể trùng nhau, không thì sẽ giống như Giả Trân nói “Năm ngoái không để ý đến việc này, thành ra mấy nhà mời trùng nhau. Người ta có cho là chúng ta vô ý đâu, lại bảo hai nhà đã bàn định sẵn, sợ tốn kém nên mời lơi đấy thôi” thì lại không hay.

Ngẫm lại, những ai sẽ được hai phủ Vinh, Ninh cùng mời đây? Đương nhiên không thể thiếu sáu vị Quốc công năm xưa cùng xưng “Bát Công” với hai vị Ninh Công, Vinh Công, và bốn vị Vương gia đông tây nam bắc, còn có các vị Công Hầu Bá Tử Nam. Đãi khách ngoại trừ ăn tiệc uống rượu, ắt không thể thiếu các màn nghe hí kịch, ban thưởng các loại.

Nhìn từ phương diện khác mà nói, hàng năm Giả phủ đãi khách chính là thiên về yếu tố chính trị nhiều hơn so với việc củng cố tình cảm thuần túy.

//static.kites.vn/upload//2021/16/1619073823.c3dd57ac9febfbc40e40bc3d7ca83a79.jpg


3. VIỆC THỨ BA: THU TÔ LỢI HÀNG NĂM

Khi đọc Hồng Lâu, rất nhiều người đều thấy khó hiểu ở chỗ, chi tiêu hằng ngày ở Giả phủ nhiều như vậy, tiền này từ đâu mà có? Kỳ thực ngoại trừ những người có chức quan nhận bổng lộc như Giả Xá, Giả Chính, cùng với ban thưởng những ngày lễ tết của Nguyên Xuân, quan trọng nhất vẫn là tiền thu địa tô của hai phủ Vinh, Ninh.

Hồi này viết về chuyện quản lý Thôn Hắc Sơn là Ô Tiến Hiếu tới nộp tô, trong danh sách tiến cống là một hàng dài các sản vật thôn quê cùng với bạc trắng phau phau. Những thứ này đều là những đồ đón Tết mà Giả phủ không thể thiếu vào dịp năm mới. Mà quản lý thôn trang họ Ô đi hơn một tháng mới đưa được những thứ này đến Giả phủ, có thể thấy vị trí ruộng đất của Giả phủ ở khá xa.

Khi đọc hồi này, tôi không khỏi sinh lòng hâm mộ đối với đối với nhà đại tộc như Giả phủ, thế nhưng Giả Trân còn oán giận nói đã tới chậm, đồ đạc tiến cống cũng ít hơn năm ngoái rất nhiều. Ô Tiến Hiếu giải thích do thời tiết không tốt, một mặt lại báo phủ Vinh năm nay thu hoạch kém hơn. Chỗ này khiến chúng ta mơ hồ cảm nhận được Giả phủ càng ngày càng sa sút.

4. VIỆC THỨ TƯ: CHIA QUÀ TẾT

Sau khi thu địa tô ở dưới nộp lên, trong các thứ vừa nãy, trước hết Giả Trân để lại mấy thứ cúng tổ, rồi chọn mỗi loại một ít cho Giả Dung đem sang biếu phủ Vinh, lại chừa bớt đủ số cho nhà dùng, đồ còn thừa lại thì theo thứ tự chia ra từng phần, chất đống ở dưới lầu ngắm trăng, rồi sai người gọi con cháu trong tộc đến lĩnh phần.

Từ đoạn văn này chúng ta đó có thể thấy được, sự quản lý và năng lực lãnh đạo Giả Trân với tư cách trưởng họ của gia tộc, những thứ địa tô thôn trang nộp lên mỗi năm được chia làm bốn phần, tương đương với chia quà tết, có lẽ đây là lệ cũ hàng năm. Hơn nữa, bên dưới nộp lên nhiều đồ như vậy, chỉ một phủ Ninh không thể ăn hết.

Mặt khác, chúng ta biết ngoại trừ hai phủ Vinh, Ninh, Giả phủ còn có mấy phòng con cháu gần chi cùng tông, có thể cuộc sống của bọn họ không sung túc lắm, hàng năm toàn trông vào những món được Giả phủ phân phát để ăn Tết. Phủ Ninh quốc làm thế này, phủ Vinh quốc đương nhiên cũng giống vậy.

//static.kites.vn/upload//2021/16/1619073824.185d19d1e82d921bc799862ca70c21a6.jpg


5. VIỆC THỨ NĂM: VÀO CUNG CHẦU MỪNG

Ngoại trừ trong nhà bận bịu đón Tết, bởi vì Giả Nguyên Xuân đã là phi tử nên đêm 30 hôm đó, Giả Mẫu dẫn đầu những người được phong Cáo Mệnh, tất cả đều mặc triều phục theo phẩm cấp, ngồi kiệu tám người khiêng tiến cung chầu mừng.  

Không chỉ Giả Mẫu, vì Giả Xá, Giả Chính đều làm quan trong triều, lúc đó bọn họ chắc cũng sẽ vào cung chầu mừng. Khác nhau ở chỗ, một bên lên triều, một bên đến hậu cung.
       
Như chúng ta thấy, đây chính là hạ thần biểu thị ý chúc mừng, đưa năm cũ đón năm mới tới chủ thượng, chẳng qua là nhưng lời chúc cát tường kiểu như: năm nay mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an đều nhờ thánh thượng trị nước nhân từ, hiện giờ là thời thái bình thịnh thế, tứ hải quy thuận, biên giới không chiến tranh... Đối với Giả mẫu mà nói, còn không phải là những lời chúc phúc kiểu “mong Nguyên Xuân bảo trọng phượng thể, sớm sinh long tử, giúp hoàng thượng phân ưu, làm yên ổn hậu cung” sao?
       
Không chỉ có đêm 30, sáng sớm mùng một đầu năm, mấy người Giả mẫu lại mặc triều phục theo phẩm tước, bày nghi trượng vào cung chầu lạy và chúc thọ Nguyên Xuân. Bút pháp của Tào Công thật hay, ngày mùng một không chỉ có là ngày đầu năm mới mà còn là sinh nhật của Nguyên Xuân.
       
Mặt khác, cần phải để ý rằng, Giả Mẫu lần lượt vào cung chầu mừng hai lần, có thể thấy được sự chú trọng lễ tiết, hơn nữa Tào công hình như cũng có ẩn ý chi đây.
       
6. VIỆC THỨ SÁU: TẾ TỔ Ở TỪ ĐƯỜNG
       
Đêm 30, sau khi tiệc vào cung chầu lạy lần thứ nhất kết thúc, Giả Mẫu liền đi thẳng đến phủ Ninh quốc tế từ đường. Lúc bấy giờ, Giả mẫu là người có vai vế cao nhất trong hai phủ Vinh, Ninh, việc tế tự đương nhiên do bà dẫn đầu.
       
Việc tế tự được nguyên tác viết rất chi là quy củ, liệt kê những khuôn phép và lễ nghi trong nhà đại gia quý tộc chi tiết đến từng chân tơ kẽ tóc. Người nhà họ Giả phân bên chiêu bên mục, xếp hàng đứng nghiêm (theo tự điển tế tự của TQ, trong nhà thờ thủy tổ ở giữa, bên trái hàng chiêu, bên phải hàng mục, chiêu thuộc hàng cha, mục thuộc hàng con). Giả Kính chủ tế, Giả Xá bồi tế, Giả Trân dâng rượu, Giả Liễn, Giả Tông dâng lụa, Bảo Ngọc bưng hương, Giả Xương, Giả Lăng rải thảm tế, giữ cái lư đốt văn. Nhạc công tấu nhạc, ba lần dâng rượu, bái hương xong, đốt lụa tưới rượu, lễ xong, âm nhạc dừng, lui ra.
       
Trong hồi này, Giả mẫu trước sau hai lượt vào cung chầu lạy, hai lần tế từ đường; có thể thấy được sự cảm niệm về ơn vua dồi dào và sự thành kính với tổ tông của Giả phủ. Đọc xong hồi truyện miêu tả việc tế từ đường, chúng ta cũng có thể thấy được đại khái về tình hình con cháu chi gần của hai phủ Ninh, Vinh Nhị và sự coi trọng của quý tộc nhà giàu có đối với việc cúng tế tổ tiên.
       
7. VIỆC THỨ BẢY: HÀNH LỄ CHÚC TẾT
       
Sau khi tế từ đường xong, Giả mẫu trở về phủ Vinh quốc, mọi người trên dưới Giả phủ hết tốp này đến tốp khác lũ lượt đến hành lễ, nguyên tác có đoạn thế này: Bọn Giả Kính và Giả Xá dẫn các con em đến. Giả mẫu cười nói: “Cả năm làm phiền các người rồi, thôi đừng làm lễ nữa”. Một bên trai, một bên gái, tốp này đến tốp khác lũ lượt vào làm lễ; bên tả bên hữu đều đặt ghế đối nhau, rồi cứ theo thứ tự lớn bé ngồi nhận lễ. Bọn đầy tớ trai gái, gã sai vặt và hầu gái trong hai phủ cũng theo thứ tự chức vụ trên dưới đứng hành lễ, sau đó phân phát tiền lì xì, hà bao và quả vàng quả bạc. Bữa tiệc hợp hoan bày ra, trai ngồi bên đông, gái ngồi bên tây; dâng rượu đồ tô, canh hợp hoan, quả cát tường và bánh như ý xong, Giả mẫu bèn đúng dậy vào trong buồng thay quần áo, các bên mới giải tán.      

Có thể thấy được hành lễ chúc Tết là lễ nghi hàng năm không thể thiếu. Không chỉ có Tết Nguyên Đán, từ các ngày lễ như Tết Trung Thu, Tết Nguyên Tiêu chúng ta cũng thấy được ở nhà đại tộc giàu có như Giả phủ, người ta rất chú trọng phép tác lễ nghi, từng li từng tí không thể qua loa, việc này cũng có thể thấy được ở đoạn văn về Tết Nguyên Tiêu ở phía sau.
       
Xem ra, hành lễ chúc tết tương đương với việc đưa năm cũ, đón năm mới, là do lớp con cháu chúc người lớn, nhưng Hồng Lâu Mộng chúc Tết ngay đêm 30, còn chúng ta chúc tết vào mùng một đầu năm.
       
Hiện nay chúng ta càng ngày càng không chú trọng việc ăn Tết, càng lúc càng giản lược, không khí đón Tết cũng càng lúc càng loãng. Nhưng khi đọc “Hồng lâu”, chúng ta phát hiện rằng đối với việc kết hôn và các ngày lễ Tết truyền thống của Trung quốc như Tết Trung thu, Tết Nguyên Tiêu, Tết Nguyên Đán, đối với đạo trời (thiên lý) và đạo làm người (nhân luân) gồm: trời – đất, quân – thần – sư thì người xưa rất coi trọng, chăm chút từng li từng tí, từng khâu đều phải đúng chỗ, đúng lúc, đúng trình tự, hết thảy không thể nhầm nổi, một chút sai sót cũng không thể có.
       
Bây giờ xét lại, không khí Tết hiện nay càng ngày càng loãng, lẽ nào có liên quan tới việc người ta dần dần quên mất những tập tục truyền thống?

Đọc thêm nhiều bài viết liên quan Hồng Lâu Mộng tại đây bạn nhé!: https://www.kites.vn/tim-kiem/?type=article&key=H%E1%BB%93ng+l%C3%A2u+m%E1%BB%99ng

0 bình luận
Sắp xếp: 
Thêm bình luận ...