Hồng Lâu Mộng: Vận mệnh bi thảm của vợ lẽ thời xưa

| 1K|lebogia
Phim truyền hình cổ trang “Biết chăng” (Minh Lan truyện) đang phát sóng, một lần nữa chúng ta thấy được việc năm thê bảy thiếp ở nhà thế gia đại tộc thời xưa và cũng thấy được việc sinh tồn gian nan của thân phận lẽ mọn trong xã hội cổ đại. Điều này đã được miêu tả kỹ càng trong tác phẩm nổi tiếng “Hồng Lâu Mộng”.

//static.kites.vn/upload//2021/18/1620034892.2efb4848d697682f148c3a560b6680ce.jpg


Gần đây phim truyền hình cổ trang “Biết chăng” (Minh Lan truyện) đang chiếu, có không ít cư dân mạng cảm thấy như đang xem Hồng Lâu Mộng. Vì sao lại như thế? Bởi vì Thịnh gia trong phim rất giống Giả phủ trong Hồng Lâu Mộng, nhất là trong phim có những tình tiết về hiện trạng cuộc sống của vợ lẽ nhà giàu.
Chúng ta không ngại lấy “Hồng Lâu Mộng” làm ví dụ để phân tích sơ lược một chút về địa vị và tình trạng cuộc sống của vợ lẽ thời xưa.
Thời cổ đại, người có tư cách lấy năm thê bảy thiếp về cơ bản đều là tầng lớp quý tộc sĩ phu, dân chúng thấp cổ bé họng không được cho phép nạp thiếp. Pháp luật triều Hán triều quy định “dân thường một chồng một vợ", nói cách khác, dân đen trăm họ chỉ có thể theo chế độ một vợ một chồng.
       
Đến thời Nguyên – Minh đã có một chút tiến bộ, pháp luật triều Minh quy định "Về phần dân thường, bốn mươi tuổi trở lên không con, mới được xin phép nạp một vợ lẽ". Tức là nếu một cặp vợ chồng quá tuổi bốn mươi vẫn chưa có con nối dòng, vào cái thời quan niệm "Bất hiếu có ba điều, không con là nặng nhất", thì có thể xin nạp vợ lẽ để kéo dài hương khói gia tộc. Có thể thấy được thời xưa, tầng lớp sĩ phu mới được hưởng chế độ tam thê tứ thiếp, đây cũng chính là độc quyền của xã hội thượng lưu.
Trong tác phẩm Hồng Lâu Mộng, Giả phủ là phủ Quốc công, lại là nhà mẹ đẻ của quý phi Nguyên Xuân, có thể nói là dòng dõi vui chúa, danh môn vọng tộc, con cháu Giả phủ đương nhiên có quyền năm thê bảy thiếp. Giả mẫu đã từng rất không nể nang mà đánh giá con trai trưởng Giả Xá: "Nàng hầu trong phòng cứ kè kè bên trái một đứa bên phải một đứa, làm trễ nải con gái người ta. Phóng đãng không giữ gìn sức khỏe, việc quan làm cũng chẳng ra đâu, cả ngày ở nhà uống rượu với đám hầu trẻ".

Từ đó có thể biết được vợ lẽ của Giả Xá khá nhiều, mà lúc Vương Hi Phượng đi Ninh Quốc phủ chơi thì: "Bấy giờ vợ Giả Trân là Vưu thị cùng với nàng dâu là Tần thị vợ Giả Dung đã sớm dẫn vợ lẽ, hầu gái, hầu già ra đứng chờ ở cửa nghi môn". Có thể thấy được dì bé của Giả Trân cũng không ít.
Cho dù là người dồn hết tâm sức vào con đường làm quan, làm người tương đối chính trực như Giả Chính, ngoại trừ Vương phu nhân là vợ cả cưới hỏi đàng hoàng, còn có hai vị dì Triệu, dì Chu. Giả Liễn ngoại trừ Vương Hi Phượng, cũng có Bình nhi, Thu Đồng, và những người như Vưu Nhị thư nữa, có thể thấy được việc ba vợ bốn nàng hầu là chuyện rất bình thường của con em quý tộc thời xưa.
Từ tình trạng cuộc sống của vợ lẽ nàng hầu trong tác phẩm Hồng Lâu Mộng, có thể biết địa vị vợ lẽ thời xưa cực kỳ thấp, đặc biệt là nếu không giành được sự yêu chiều của phu quân, lại không sinh được con nối dõi cho nhà chồng, thì thân phận cũng chẳng khác gì người ở, thậm chí có khi còn không bằng một đứa hầu gái.

1, TỰ DO MUA BÁN

“Lễ Ký” có ghi chép: “thiếp hợp người mua, lấy tiện cùng với của công vậy; “Đường luật sơ nghị” có đoạn: thiếp thông mua bán. Từ đó có thể biết được, vợ lẽ thời xưa giống một món hàng, có thể tự do mua bán giao dịch.
Trong phim “Biết chăng” (Minh Lan truyện) có tình tiết Đại nương tử muốn tìm cơ hội đem bán Lâm tiểu nương mà Chủ Quân sủng ái nhất đi, bởi vì nàng ta là vợ lẽ. Nếu như không thể có sự che chở của Chủ Quân, chủ mẫu đúng là có quyền bán nàng ta.
Trong tác phẩm Hồng Lâu Mộng, Hương Lăng và Yên Hồng sau này lần lượt làm vợ lẽ của Tiết Bàn và Giả Xá, nhưng thân phận ban đầu của các nàng đều là dùng tiền mua về, Hương Lăng là Tiết Bàn mua lại từ trong tay người què, về sau dì Tiết làm chủ: "Bỏ tiền bày tiệc rượu mời khách, đường đường chính chính làm vợ lẽ cho hắn".
Mà Yên Hồng là Giả Xá bỏ ra tám trăm lạng bạc ròng để mua từ bên ngoài về, sau khi bức cưới Uyên Ương không thành. Tại thời mà hai mươi lượng bạc đủ cho một hộ gia đình bình thường chi tiêu một năm, tám trăm lượng cũng không phải số tiền nhỏ. Có thể thấy được cô Yên Hồng mà Giả Xá mua về này cũng không phải đứa hầu gái bình thường.
       
Đã có thể mua thì liền có thể bán. Mặc dù Hương Lăng là vợ lẽ nạp vào cửa chính thức, theo lý mà nói, trước khi chủ mẫu Hạ Kim Quế vào cửa, địa vị của Hương Lăng cũng không coi là thấp, gần với vợ cả (chính thất, phòng lớn) và vợ thứ (trắc thất, phòng nhì), nhưng dù vậy, sau này khi Hạ Kim Quế gả cho Tiết Bàn, người một nhà huyên náo ầm ĩ, dì Tiết nghĩ ngay đến trước nhất vẫn là việc tìm người môi giới để bán Hương Lăng đi.
Bởi vì xuất thân của cô ấy thấp, là người được mua về, giá trị chỉ ngang với một món hàng. Chủ nhân vui thích có thể nạp làm dì bé, hưởng thụ đãi ngộ của thân phận nửa chủ tử, nhưng chủ nhân không vừa lòng lại có thể tùy ý bán đi.
Không chỉ mua bán, khi chủ nhà nổi hứng còn có thể đem vợ lẽ bên người tùy ý tặng người khác, thậm chí trao đổi như vật phẩm. Nhà thơ triều Đường Bạch Cư Dị đã từng dùng nàng hầu của mình để đổi lấy một con ngựa mà mình nhìn trúng. Giả Liễn trong Hồng Lâu Mộng làm được việc, Giả Xá vui mừng liền đem ngay đứa hầu gái trong phòng tên Thu Đồng thưởng cho hắn.
Bởi vậy có thể thấy được vận mệnh của phận lẽ mọn thời xưa bi thảm biết bao.
       
2, ĐỊA VỊ THẤP

“Xuân Thu” ghi lại: “Con gái làm vợ lẽ người ta, thiếp không đẹp”. “Đường luật sơ nghị” quy định: “thiếp chính là tiện lưu”. Nói cách khác, thân phận vợ lẽ quyết định địa vị xã hội của người nữ vĩnh viễn kém một bậc so với người khác, mà cái thân phận này gắn với nàng như hình với bóng cả đời.
Thời xưa, vợ cả phải dùng “tam môi lục sính” cưới về bằng cửa chính, cưới hỏi chính thức long trọng giống hệt ngày nay chúng ta kết hôn, mà vợ lẽ thì không có tư cách hưởng thụ đãi ngộ như vậy, không thể cưới hỏi đàng hoàng, cũng không thể đi cửa chính vào, bởi vì bản thân vợ lẽ đã là thân phận hạ tiện rồi.
Trong Hồng Lâu Mộng, so sánh giữa dì Triệu và Vương phu nhân có thể thấy được sự cách biệt một trời một vực về địa vị xã hội và tôn nghiêm của vợ cả và vợ lẽ thời xưa.
       
Tiền tiêu hàng tháng theo quy định của Vương phu nhân là hai mươi lượng bạc, bà có thể đưa cho Lưu mỗ mỗ (già Lưu) một trăm lượng ngay lập tức, mà tiền tiêu hàng tháng theo quy định của dì Triệu chỉ có hai lượng, chênh lệch gấp mười lần, một trăm lạng bạc đối với dì ta mà nói, chính là tiền tiêu hàng tháng của ròng rã bốn năm trời.
Vương phu nhân là vợ cả của Giả Chính, cũng chính là mẹ trên danh nghĩa của tất cả con cái của ông ta, bao gồm con cái do nàng hầu, vợ lẽ, đứa hầu ngủ sinh ra. Dựa theo lễ nghi thời xưa, con của dì Triệu không thể gọi dì ta là mẹ, chỉ có thể gọi là dì (di nương), Vương phu nhân mới là mẹ cả. Nếu như chủ mẫu khoan dung độ lượng thì có thể cho phép vợ lẽ tự nuôi con của mình.
Trong phim “Biết chăng” (Minh Lan truyện), lúc mẹ đẻ của Thịnh Minh Lan là Vệ nương tử qua đời, nàng gọi một tiếng "Mẹ" thì liền bị mẹ mình đánh một bạt tai. Vì thời đó, nếu như mẹ của mình không phải chủ mẫu, gọi "Mẹ" là không hợp lễ chế, mà chỉ có thể xưng hô theo thân phận của bà ấy. Cho nên trong Hồng Lâu Mộng, Thám Xuân trước sau luôn xưng hô với mẹ đẻ của mình là dì Triệu bằng “Dì”.
       
Trong các yến hội trọng đại, bình thường vợ lẽ đều không có cơ hội xuất đầu lộ diện, tất cả việc xã giao đều do Chủ Quân Chủ mẫu lo liệu. Nếu như có một đứa vợ lẽ được sủng ái nào đó đi quá giới hạn, thì sẽ giống trong “Biết chăng” (Minh Lan truyện), chủ mẫu liền trở thành trò cười cho thiên hạ vì việc loạn lễ pháp này.
Trong Hồng Lâu Mộng, lần Giả Chính để đám Bảo Ngọc chuyển vào Vườn Đại Quan, có tình tiết thế này: "Thì ra Giả Chính và Vương phu nhân đều ở cả trong phòng. Dì Triệu vén rèm, Bảo Ngọc khom người đi vào. Chỉ thấy Giả Chính và Vương phu nhân đương ngồi đối diện trên giường nói chuyện, dưới đất một hàng ghế dựa..."
Chỗ này rõ ràng nói đến việc dì Triệu vén rèm, mà Giả Chính và Vương phu nhân thì ngồi ở trong phòng. Cũng thế, sau khi Bảo Ngọc bị đánh, cũng có một đoạn văn tương tự thế này: "Vương phu nhân liền sai hầu gái về trước trải chỗ ngồi. Khi đó dì Triệu cáo bệnh, chỉ có dì Chu cùng hầu gái và hầu già vội vàng vén rèm, đặt cái tựa lưng, trải đệm giường".

       
Từ hai đoạn văn trên có thể biết, dì Triệu, dì Chu không có bất kỳ địa vị gì đáng kể ở trước mặt chủ mẫu là Vương phu nhân, bọn họ làm công việc của hầu gái hạng bét, nhưng những việc thế này chỉ có thể do bọn họ làm.
Ở hồi 30, lần Giả Hoàn hắt dầu thắp đèn làm phỏng Bảo Ngọc, Mã Đạo bà đến chỗ dì Triệu làm tiền, có chi tiết thế này "Nhân thấy trên giường chất đống những mẩu vải vóc đầu thừa đuôi thẹo, dì Triệu đang khâu giày". Dì Triệu làm giày, nhưng dùng đều là vải vụn và phế liệu không ai cần, bởi vì địa vị thấp, của tốt không đến được chỗ dì ta, cho nên dì ta nói "Những thứ ra tấm ra món, khi nào đến được tay tôi?”
Cho dù Giả Liễn ở bên ngoài lén lút cưới Vưu Nhị Thư làm phòng nhì (vợ thứ), bởi vì không có đường đường chính chính nên sau khi bị Vương Hi Phượng lừa vào Vườn Đại Quan thì cũng chịu ngược đãi như thường, cơm ăn đều là chút đồ còn thừa lại không thể nuốt nổi, ngay cả đứa hầu ngủ là Bình nhi đều nhìn không đành lòng, có thể thấy sinh tồn gian nan thế nào.
       
//static.kites.vn/upload//2021/18/1620034895.bb130ff7bf2423359eb0c03cab5d6e16.jpg


3, THÂN PHẬN NGƯỜI HẦU
       
Người cổ đại phân làm ba bảy bậc, xuất thân của rất nhiều người đã được quyết định từ ngay lúc sinh ra, cả đời đều không thể thay đổi. Ví dụ như Uyên Ương, bởi vì cha mẹ đều là nô bộc trong Giả phủ nên nàng vừa chào đời thì đã là đầy tớ sinh trong nhà chủ (phân biệt với đầy tớ được mua từ bên ngoài vào), ở trước mặt chủ nhân Giả phủ vĩnh viễn là phận người hầu. Cho dù lọt được vào nhà tốt nhất là nhà Lại ma ma thì cũng vẫn cứ là phận người hầu, vợ lẽ lại càng giống như vậy.
Sự tồn tại của vợ lẽ, vốn là do vợ cả không thể sinh đẻ, nên chọn ra người phụ nữ giúp chồng nối dõi tông đường, giúp nhà chồng kéo dài hương hỏa. Trong mắt vợ cả, vợ lẽ chẳng qua chỉ là một công cụ sinh đẻ, thế nên dì Triệu dù sinh được Thám Xuân và Giả Hoàn thì cũng không cách nào thay đổi được thân phận đứa ở của mình.
       
Vương Hi Phượng xuất thân cao quý đã từng cách cửa sổ với vào mắng dì Triệu: “Không được đâu, em nó giờ là cậu ấm, khắc có người dạy dỗ, can chi đến dì!" Theo lý mà nói dì Triệu là bề trên của Vương Hi Phượng, nhưng thời xưa điều được luận đến trước tiên không phải lớn nhỏ mà là xuất thân, dì Triệu trở thành vợ lẽ chủ yếu là được Giả Chính sủng ái, lại sinh được Thám Xuân và Giả Hoàn, nhưng bản thân dì ta lại vẫn là thân phận nô tài, cho nên Vương Hi Phượng sẽ không để dì ta vào mắt.
Từ đó có thể biết, Giả Hoàn tuy là con vợ lẽ, nhưng bởi vì là con cháu Giả phủ, cho nên là chủ tử, mà dì Triệu vì thân phận nửa chủ nhân đáng xấu hổ, ngay cả quyền dạy bảo con ruột của mình đều không có.
Lần đảm trách việc quản lý nhà cửa, Thám Xuân đã trực tiếp chọc vào chỗ hiểm của dì Triệu, Lý Hoàn làm  người giảng hòa đôi bên bèn nói đỡ rằng Thám Xuân trong lòng cũng muốn dắt díu dì Triệu, Thám Xuân vội nói: "Chị dâu cả cũng hồ đồ rồi. Tôi dắt díu được ai? Tiểu thư nhà nào lại đi dắt díu bọn đầy tớ? Bọn họ hay dở thế nào, chắc các người cũng biết đấy, can chi đến tôi?”
       
Trong mắt con gái ruột của mình, thân phận dì Triệu vẫn là người ở, chứ đừng nói là trong mắt người khác. Trong vụ “phấn Tường Vi”, dì Triệu nghe hầu già xúi giục liền làm um chuyện với đám con hát Phương Quan, một lần nữa Phương Quan rành rọt chỉ ra thân phận nô tài của dì Triệu, "Dì không thể mắng được tôi, tôi cũng không phải do dì mua về. Con hầu kết chị em với thằng ở, cũng đều là bọn đầy tớ cả thôi!”
Phương Quan dùng một câu câu nói bỏ lửng phần sau để vạch trần việc thân phận của dì Triệu cũng giống như cô ta, hai bên đều là đầy tớ địa vị thấp kém thì đừng ai xem thường ai. Cũng chính câu nói này đã chọc giận dì Triệu, bởi vì thân phận nô tài chính là ma chú mà cả đời dì ta không thoát ra được.
Không chỉ có vậy, ngoài vợ cả ra, bất kể là con cái do vợ thứ (trắc thất), vợ lẽ hay hầu ngủ sinh đều là con thứ xuất, địa vị thấp hơn rất nhiều so với con vợ cả sinh. Chỗ này chỉ cần so sánh Bảo Ngọc và Giả Hoàn là thấy ngay, một người là con phượng hoàng vàng được người ta nâng niu trong lòng bàn tay, người kia lại là mèo con gặp trời lạnh không ai chào đón.
       
4, KHÓ MÀ ĐƯỢC NÂNG LÊN LÀM VỢ CẢ

Nói đến đây, có lẽ vài người thắc mắc, nếu như vợ cả chết thì sao? Vợ lẽ có thể được nâng thành vợ cả không? Có, nhưng khả năng không lớn, thậm chí có vài triều đại, việc đưa vợ lẽ phù chính thành vợ cả còn là phạm pháp. Triều Đường có một điều luật quy định về vấn đề này: “Đưa vợ lẽ hoặc con hát lên làm vợ cả, tù một năm rưỡi”.
Nói cách khác, nếu đem vợ lẽ nâng thành vợ cả, thì phải chịu phạt như thế, vì sao chứ? Bởi vì người xưa khi kết thông gia thì xem trọng chính là huyết thống thuần khiết, môn đăng hộ đối; chính là gia thế, bối cảnh địa vị xã hội của đôi bên phải tương đương nhau, không phải vậy thì không thể kết thông gia.
Nhà thơ thời Đường Bạch Cư Dị lúc trẻ từng yêu một cô gái bình dân tên Tương Linh, nhưng bởi vì môn không đăng hộ không đối, hai lần ông cầu xin mẫu thân đồng ý đều bị cự tuyệt không thương tiếc, cuối cùng ông không thể không cưới một cô gái môn đăng hộ đối làm vợ. Có thể thấy được định kiến về môn đăng hộ đối thời bấy giờ sâu bao nhiêu.
 
//static.kites.vn/upload//2021/18/1620034896.f642c67c5545410686366001969da2c6.jpg
   

Đương nhiên, không phải là không có ngoại lệ. Trong Hồng Lâu Mộng, hầu gái Kiều Hạnh của Chân phủ về sau làm vợ lẽ của Giả Vũ Thôn, nhưng vợ cả của Giả Vũ Thôn chết không lâu sau, Giả Vũ Thôn bèn đưa nàng phù chính. Thời cổ đại, để vợ lẽ phù chính thành vợ cả thể nói là bước trở mình từ con ở đến chủ mẫu.
Trong sách “Nho Lâm Ngoại Sử” cũng có đưa ra một ví dụ, Nghiêm giám sinh sủng ái vợ lẽ Triệu thị, nhưng bởi vì còn vợ cả Vương thị nên bất luận yêu chiều thế nào cũng không thể vượt qua vợ cả. Khi Vương thị lâm chung đã có ý để Nghiêm giám sinh đưa Triệu thị lên làm vợ cả, việc này không thể coi thường. Nghiêm giám sinh vội vã mời hai người anh em trai bên Vương thị tới, còn gói ngân lượng, nhận người nhà Vương thị thành người nhà của mình, nói chung đủ loại nghi thức chính là để chiếu cáo tông tộc.

Bởi thế có thể thấy được thời xưa, việc nâng vợ lẽ thành vợ cả khó khăn biết chừng nào.
Có người tưởng rằng sau khi Vương Hi Phượng chết đứa hầu ngủ của Giả Liễn là Bình nhi được nâng thành vợ cả, chuyện này tưởng tượng thì hay nhưng tính khả thi không cao, bởi vì Bình nhi còn không phải là vợ lẽ mà chỉ là đứa hầu ngủ, lại chưa từng sinh con đẻ cái, chẳng có lý do đặc biệt gì để nâng lên làm vợ cả.
       
Thời xưa, nếu như vợ cả chính thất qua đời, thông thường gia tộc đều chọn cách tục huyền với một người vợ kế chứ không nâng vợ lẽ bên người lên làm vợ cả. Bởi vì vợ lẽ vốn dĩ kém một bậc, không có tư cách nâng làm vợ cả. Thế nên sau khi vợ cả nguyên phối qua đời, Giả Trân tục huyền cưới Vưu thị chứ không nâng một người trong đám vợ lẽ lên, vì việc này không được tán thành.

Đọc thêm nhiều bài viết về đề tài Hồng Lâu Mộng ở chuyên mục "sống trẻ" bạn nhé!
0 bình luận
Sắp xếp: 
Thêm bình luận ...