Trong n lý do thích Lâm Đại Ngọc, chỉ một lý do này thôi đã đủ rồi

| 6K|
Khi đọc Hồng Lâu Mộng, mỗi người đều có nhân vật yêu thích của riêng mình. Người thích Đại Ngọc, người thích Bảo Thoa, có người thích Tương Vân, người lại thích Thám Xuân, mỗi nhân vật đều có nét độc đáo riêng. Nhiều độc giả thích Đại Ngọc vì nàng thẳng thắn đơn thuần, tài mạo song toàn.

“Hồng Lâu Mộng” có đến hơn trăm nhân vật nữ, một bộ “Hồng Lâu”, muôn màu muôn vẻ. trong Vườn Đại Quan người đẹp nhiều như mây, khắp nơi tràn trề sức trẻ, các cô ấy lúc yêu kiều, lúc hờn giận, khi si dại, sao lại chẳng khiến người ta yêu thương cho được? Trong các cô ấy, cô thì tài hoa hơn người, cô thì miệng lưỡi sắc sảo, cô lại xử lý công chuyện khéo léo dịu dàng, sao chẳng khiến người ta bội phục đây?

//static.kites.vn/upload//2018/51/1545122071.0d440b410623513bce6fa010a53995a8.jpg

Ông Tào (Tuyết Cần) đã mượn lời của Bảo Ngọc để nói ra lập trường của mình: “Tôi trông thấy con gái thì tôi nhẹ nhàng khoan khoái, trông thấy con trai thì như bị phải hơi dơ bẩn vậy”. Có thể thấy ông rất yêu phái nữ, tất nhiên, loại tình cảm này, hiểu theo nghĩa hẹp thì chính là trân quý, mến mộ; hiểu theo nghĩa rộng chính là thương xót, cảm thông. Trong suốt bộ “Hồng Lâu Mộng”, trừ dì Triệu ra thì tất cả các nhân vật nữ khác dưới ngòi bút của ông đều được trau chuốt, nhân vật nào cũng khiến người ta vừa mến vừa trọng.

Trong vườn Đại Quan có nghìn vẻ đẹp, bạn chỉ yêu thích mỗi loại nào? Có người thích sự ôn hòa lý trí của chị Bảo, người khác thích sự sáng suốt chân thành của Tử Quyên, người thì thích cái xảo trá tai quái của Tiểu Hồng… thế mà người tôi thích nhất lại chính là em Lâm.

Rất nhiều người thích em Lâm, đặc biệt là phái nam. Nói rằng em ấy chanh chua khắc bạc, ở đoạn “Chia hoa ban thưởng từ trong cung”, em ấy đã nói: “Hoa này chỉ tặng cho mình tôi thôi, hay các cô khác cũng có cả, đồ thừa không ai thèm mới đến phần tôi”. Khi già Lưu sắm vai bày đủ trò để dỗ cho Giả Mẫu vui, em Lâm đã ví von bà với con “Cào cào mẹ”, lời này nói ra ít nhiều không được phúc hậu cho lắm.

Em Lâm rất thích khóc, động một tí là “đỏ hoe vành mắt” hay “rơm rớm nước mắt”, mà hễ khóc thì lại khó ở, thường là khóc tới bình minh rồi mới mơ màng ngủ thiếp đi. Kiểu làm mình làm mẩy của em Lâm càng rõ như ban ngày, hễ không vừa ý việc gì lại “giận không thèm nhìn đến”, không biết Bảo Ngọc đã bao nhiêu lần lấy ba chữ “Lâm muội muội” ra dỗ dành, em ấy mới thôi, nếu không lại âm thầm rớt nước mắt. Nói đến đây, mọi người không thích em Lâm cũng là hợp lý.
Tuy nhiên, sao bạn lại không nhìn ra những chỗ tốt của em Lâm chứ?

Em Lâm có dung mạo tựa thiên tiên

Khi hai người Bảo Ngọc, Đại Ngọc gặp nhau lần đầu, Bảo Ngọc bèn nói: “Cô em mới đến, người đẹp như tiên” [Hồi 5], đúng là “Trên trời rơi xuống một em Lâm, tựa một áng mây vừa rời khỏi núi” [trích từ vở Kịch Quảng “Em Lâm từ trên trời rơi xuống”], quả thật là “Hoa nở vườn tiên” [Uổng ngưng mi - hồi 5]. Lại thấy “Đôi mày điểm màu khói lạt, dường như cau mà lại không cau; đôi  mắt chứa chan tình tứ, dáng như vui mà lại không vui, tim đọ Tỉ Can (chú của Trụ Vương)  hơn một khiếu, bệnh so Tây Tử (Tây thi - Đông Thi) trội vài phần”. [Tán Lâm Đại Ngọc - Hồi 3]
Một cô gái có khí chất tiên nữ phiêu phiêu như vậy, sao lại không khiến người ta sinh lòng ái mộ đâu? Chị Bảo cũng đẹp đấy, nhưng là vẻ đẹp tầm thường dung tục. Thế mới gọi là “Bảo Thoa dễ kiếm, Đại Ngọc khó tìm”. Yêu thích Lâm Đại Ngọc chính là bắt nguồn từ dung mạo của cô ấy.

Em Lâm tài hoa hơn người

“Hồng nhan thấm thoắt xuân qua, hoa tàn người vắng ai mà biết ai” [Táng hoa từ - hồi 27] . Sự đau khổ của em Lâm không khỏi khiến người ta lệ rơi lã chã, “Xa đời ngất ngưởng cùng ai đấy, biếng nở lừ đừ kém chậm sao?” [Vấn cúc - Hồi 37]. Bạn có tỏ tường được cái cô độc cao ngạo của em Lâm không? “Co ro bóng hạc bên ghềnh, hồn hoa chôn chặt dưới vầng trăng trong” [Hồi 76], nỗi bi thương của em Lâm bạn làm sao thấu được?

//static.kites.vn/upload//2018/51/1545122071.41ff4f45fcc39e2908dc9e14a4de2da8.jpg

Tài hoa của em Lâm đã sớm được Nguyên Xuân gật đầu tán dương trong lần tỉnh thân về thăm nhà. Phải biết rằng Nguyên Xuân “có tài, được tuyển vào cung Phượng Tảo”, thế nên tài hoa tất nhiên không phải tầm thường. Có thể được Nguyên Xuân khen ngợi, tài năng ắt vượt trội . Kỳ thực, mỗi khi vườn Đại Quan mở thi xã, làm thơ nối vần, có lần nào em Lâm lại không xa xa dẫn đầu đâu, thế sao không khiến người khác yêu thích cho được?

Tài hoa của em ấy cũng không chỉ thể hiện ở mỗi mặt thi từ ca phú, có lẽ trước nay bạn chưa từng nghĩ đến việc em ấy cũng là một tay quản gia cừ khôi, chỉ là em ấy “Như cái đèn mỹ nhân, gió thồi một cái liền tắt” [Hồi 55]. Khi Thám Xuân quản gia, hăng hái đổi những lệ xưa, được em Lâm khen ngợi, em ấy đã nói: “Tuy em không phải trông nom công việc, nhưng khi nào thư thái thường hay tính toán, thấy chi nhiều mà thu ít, nếu không tằn tiện, sau này lấy đâu cho đủ” [Hồi 62]. Không khó phỏng đoán, nếu sức khỏe tốt, ai nói em Lâm chắc chắn thua kém Vương Hy Phượng chứ?

Em Lâm thuần khiết chân thành

Chị Bảo miệng nam mô, bụng một bồ dao găm, khắp nơi mọi lúc lung lạc lòng người, trên dưới Giả Phủ đều khen ngợi chị ta. Ngay cả dì Triệu cũng khen chị ta không dứt miệng. Nhưng bạn có thích kiểu người như chị Bảo không? Bạn không sợ đến một ngày, khi tán gẫu, bị chị ấy làm cho “lỡ miệng” sao? Tương Vân, Tập Nhân trước kia đều là những người từng bị chị ta lôi kéo như vậy đó thôi. Mà ở chung với em Lâm, bạn không cần lo lắng, cô ấy chân thành thẳng thắn, có gì nói đó, có giận thì chỉ làm mình làm mẩy rồi thôi, ngày mai gặp lại nói cười như thường.

//static.kites.vn/upload//2018/51/1545122072.cd40ee040f812eb8226e149e9890db54.jpg

Cái khiến cho người ta thích chính là, một khi em Lâm thổ lộ tâm tình cùng ai thì đều dốc hết gan ruột. Nha hoàn của em ấy lại thành chỗ thành khuê mật. Tất nhiên Tử Quyên là nha hoàn tốt, nhưng nếu không phải em Lâm thực lòng đối tốt, xem cô như chị em, thì trong xã hội phong kiến phân biệt tầng lớp nghiêm ngặt như thế, giữa chủ tớ nào có thể tỷ muội tình thâm? Còn nhớ việc Hương Lăng học làm thơ không? Cô ấy vốn nhờ Bảo Thoa dạy mình, nhưng chị Bảo vốn là người am hiểu việc dạy dỗ nhất lại đẩy cô ấy qua cho Đại Ngọc. Em Lâm quả thật đã dốc lòng dạy dỗ, hệt như thầy tốt bạn hiền, nhờ công dạy dỗ của em ấy, Hương Lăng mới có thể viết ra câu thơ linh động bực này:  "Nghìn dặm chày vang khi giặt lụa, nửa vừng gà giục lúc dòn canh" [Ngâm Nguyệt kỳ 3 - Hồi 49]

Dĩ nhiên, khiến người ta cảm động nhất là ở hồi "Giải mối ngờ, Bảo Thoa tỏ lời thân thiết", Bảo Thoa vạch trần chuyện em ấy đọc sách nhảm “Tây Sương Ký”, lại một phen tận tình khuyên bảo, nói thẳng đến mức em Lâm chỉ "Cúi đầu dùng trà, trong lòng thầm phục" [Hồi 42]. Khi bệnh của em Lâm không thấy khá lên, chị Bảo lại một lần mềm giọng an ủi, buổi chiều sai người tặng tổ yến, em ấy cảm động, liền dốc gan ruột thổ lội: “Chị ngày thường đối với mọi người rất tốt, nhưng tôi là người đa nghi, cứ cho chị là ác ngầm”. Còn có lời nào ngay thẳng chân thành hơn lời này không?

Trước kia, em Lâm có đề phòng rất nhiều chị Bảo, không vì cái gì khác, chỉ là sợ Bảo Ngọc "Gặp chị liền quên em”.  Em ấy để ý nhất là chiếc khóa vàng “nặng trĩu” đeo trên cổ chị Bảo, nếu nói em ấy để bụng những đồ trang sức vàng bạc này thì không phải ... chỉ đơn giản là vì cho đến giờ em Lâm đều coi chị Bảo là tình địch lớn nhất của mình.  Nhưng giờ phút này, em ấy chỉ gọi Bảo Thoa là "Chị"!

Em Lâm chính là người chân thành như thế, hễ đã tin tưởng ai thì sẽ dốc hết lòng dạ. Buông bỏ mọi đề phòng để hoàn toàn tin tưởng. Nếu như nói "Đời người có một tri kỷ là đủ" [Lỗ Tấn], thì em Lâm chính là tri kỷ tốt nhất. Cho dù không phải tri kỷ, làm bạn bè  bình thường cũng được, em ấy nhất định không hại bạn.

Em Lâm si tình:

Khi trước không tài nào hiểu nổi, vì sao em Lâm lúc nào cũng thích khóc, vì sao em ấy hay tức giận? Mãi cho đến lúc sau khi Bảo Ngọc bị đánh, em ấy khóc sưng mắt nói: "Từ rày anh nên chừa đi nhé" [Hồi 3], tôi mới giật mình ngộ ra, đây là một kiểu tình yêu lan vào sâu thẳm tâm hồn, không thể nói ra miệng, thậm chí không thể bộc lộ, chỉ có thể thầm lặng mà giấu trong lòng.

Bởi vì yêu mà thấu hiểu, em ấy chưa từng khuyên Bảo Ngọc tham gia khoa cử, trước nay chưa từng nói xấu chị Bảo và Tương Vân. Tâm tư em ấy tinh tế nhạy cảm, hai tấm khăn tay cũ, một câu nói cũng không có, nhưng trong nháy mắt em ấy có thể ngầm hiểu dụng ý của Bảo Ngọc. Em Lâm một mảnh tình si, khi nghe nói Bảo Ngọc đã đính hôn, em ấy không chịu ăn cơm, chỉ một lòng muốn chết. Bảo Ngọc thành thân, em ấy đau lòng muốn chết, chỉ để lại "Bảo Ngọc, anh thật..." [Hồi 98] liền hồn lìa trần thế.

Em Lâm như vậy, hỏi sao không yêu cho được?

Bài viết theo quan điểm cá nhân

0 bình luận
Sắp xếp: 
Thêm bình luận ...