Hồng Lâu Mộng: Giả phủ đón tết Nguyên Tiêu, huyền cơ trong câu chuyện cười của Vương Hy Phượng

| 1K|lebogia
Giả phủ trong Hồng Lâu Mộng là quý tộc hào môn, việc đón Tết Nguyên Tiêu, Tết Trung Thu đều hết sức phồn hoa, nhưng hai câu chuyện cười có ý nghĩa sâu xa mà Vương Hy Phượng kể lại cho chúng ta thấy được những tình tiết phía sau của Hồng Lâu Mộng.

//static.kites.vn/upload//2019/18/1556528376.2813170edfb0ef65eeaf4f76a555630a.jpg


Tôi cho rằng cái kinh điển của Hồng Lâu Mộng chủ yếu nằm ở hai chỗ: Thứ nhất, chỗ nào cũng có những tình tiết nhỏ. Chính những tình tiết này lại tạo nên những ngụ ý thâm sâu được sắp đặt sẵn từ trước trong Hồng Lâu Mộng. Chỉ cần sơ ý một chút sẽ bỏ qua một chi tiết, mà biết đâu chính tình tiết đó lại có vai trò then chốt lúc về sau?

Thứ hai, không một chữ thừa thãi. Vì sao Hồng Lâu Mộng trở thành kiệt tác? Bởi vì từng câu từng chữ đều vừa vặn, không thể thêm bớt cũng không thể sửa chữa. Trong số đó có rất nhiều chuyện cười dù trông có vẻ như chẳng liên quan đến mạch truyện, nhưng luôn luôn là nơi đặt những tình tiết được sắp đặt từ trước, ví dụ như câu chuyện cười có thâm ý sâu xa mà Vương Hy Phượng kể vào ngày Tết Nguyên Tiêu.

Hiểu được hai chỗ này rồi, chúng ta liền sáng tỏ việc Vương Hy phượng kể chuyện cười. Xếp sẵn bi kịch vào chỗ vui mừng chính là bút pháp trước sau như một của Tào Công, chẳng hạn như cảnh đại hỷ Nguyên Xuân thăm nhà, chấm được bốn vở kịch, nhưng trong đó lại xếp sẵn một chuyện buồn; chẳng hạn như việc cả nhà đoàn viên ngày Tết Nguyên Tiêu, các chị em chơi đốt đèn lại làm Giả Chính bị thương.

Cũng như thế, câu chuyện tiếu lâm mà Vương Hy Phượng kể vào dịp Tết Nguyên Tiêu ở phủ Vinh Quốc (hồi 54) cũng không đơn giản chỉ là một câu chuyện gây cười, tỉ mỉ nghiền ngẫm ắt thấy có nhiều bí ẩn, nào chỉ có một tầng ý nghĩa sâu xa?

Chúng ta xem lại nguyên tác: Phượng Thư nghĩ một lúc, cười nói: “Một nhà nọ ăn tết tháng Giêng, cả nhà xem đèn uống rượu, rất là náo nhiệt. Nào cụ, nào bà, nào con dâu, cháu dâu, chắt dâu, cháu dâu họ, cháu họ, chắt họ, cháu nuôi, cháu dây mơ rễ mái, cháu gái, cháu gái ngoại, cháu gọi bằng bà dì, cháu gọi bằng bà cô... Úi chà! Thật là đông đúc nhộn nhịp!”

//static.kites.vn/upload//2019/18/1556528523.99fa6befbeed25ecb45ddaa0d1a48361.jpg


Khi đọc đoạn này, bạn cảm thấy đây chỉ là câu chuyện tiếu lâm sao? Người thông minh lại có óc quan sát như Vương Hy Phượng chính là đứa cháu dâu lúc nào cũng lấy lòng trước mặt Giả Mẫu, câu chuyện tiếu lâm này đương nhiên không phải để chọc cười, mà là đang nịnh Giả Mẫu đấy thôi.

Đây chính là tầng ý nghĩa thứ nhất. Người đầu tiên được ám chỉ trong câu chuyện cười này chính là Giả Mẫu. Để phân tích việc này, chúng ta đem so sánh với Giả Mẫu thì rõ ngay, Giả mẫu cũng là người có con dâu, cháu dâu, chắt dâu đầy đàn, cháu gái và cháu gái đằng ngoại lại càng không thiếu.

Nói đơn giản thế này, ở bữa tiệc náo nhiệt mừng cả nhà đoàn tụ dịp Tết Nguyên Tiêu của phủ Vinh, Vương Hy Phượng đương nhiên muốn là người dẫn đầu đi nịnh nọt Giả Mẫu để dỗ cho bà vui, bởi vì bản thân Giả Mẫu ưa náo nhiệt, thích ăn uống đùa giỡn cùng các cháu trai cháu gái.

Giả mẫu là một lão thái thái hưởng hết vinh hoa phú quý, tuổi xế chiều dưỡng lão ngậm kẹo đùa cháu, xem ra mọi việc đều hạnh phúc tốt đẹp. Nữ quản gia của phủ Vinh Quốc là Vương Hy Phượng trước nay vẫn luôn là “Hạt dẻ cười” của Giả mẫu, là người có khả năng khuấy động bầu không khí nhất mỗi khi trong nhà có tiệc tùng. Đương nhiên nàng ta sẽ nghĩ cách nịnh nọt người có con cháu đầy đàn, hưởng hết phước lộc nhân gian như Giả mẫu.

Thế nên Vương Hy Phượng bịa ra một câu chuyện cười ngay tại chỗ như vậy cốt để dỗ cho Giả mẫu vui vẻ, khi bị Giả Mẫu truy vấn kết cục, Vương Hy Phượng trong chốc lát không nghĩ ra, cũng không biết đáp lại thế nào, nên liền vội vàng kể đoạn kết: "Sau quây quần cả về trong một phòng, uống rượu suốt đêm rồi giải tán ai về nhà đấy”.


Nếu như chúng ta kết hợp với câu chuyện cười “thằng điếc đốt pháo” mà Vương Hy Phượng kể lúc sau, ý nghĩa sẽ sâu hơn một tầng.

Phượng Thư cười nói: “Lại kể một chuyện nữa về đón tết tháng giêng: Có mấy người mang cây pháo to ra ngoài thành, hàng vạn người đi theo để xem. Có một người sốt ruột không chờ được, liền lấy hương đốt vụng, thì “ầm” một tiếng. mọi người đều cười rộ lên, rồi về cả. Người khênh cây pháo lại oán trách người bán pháo cuộn không chắc, chưa đốt đã nổ rồi”.

//static.kites.vn/upload//2019/18/1556528713.237e9f881cbab52796dbc55339762554.jpg


Tỉ mỉ đọc các tình tiết của đoạn nguyên tác này, hai câu chuyện tiếu lâm của Vương Hy Phượng trước sau nhắc đến từ; “Giải tán” không chỉ một lần: “uống rượu suốt đêm rồi giải tán”, “Chờ mọi người giải tán, chúng ta sẽ về trong vườn đốt pháo nữa” “Chưa đốt đã nổ rồi”, “chúng ta cũng nên như “thằng điếc đốt pháo” giải tán đi là hơn”, “Ai muốn gì thì ăn. Súc miệng xong, ai về nhà nấy”.

Trước sau có nhiều chỗ dùng chữ “tán”, lại một lần nữa Tào Công dùng bút pháp ngầm xếp chuyện buồn vào chỗ vui, ngụ ý “Ly tán không còn xa”. Đây là tầng ý nghĩa thứ hai của câu chuyện cười Vương Hy Phượng kể.

Đoạn trước Giả mẫu có con cháu đầy đàn, cả nhà đều là người, vô cùng náo nhiệt, nhưng sau đó liền giải tán ngay lập tức. Sụ biến chuyển lớn lao này lại càng làm tăng thêm bầu không khí bi kịch của Hồng Lâu Mộng, khiến người ta khó mà tiếp nhận nhưng lại không thể không đối mặt với sự thực chia lìa.

Nếu đọc một cách tỉ mỉ hơn nữa, bạn sẽ phát hiện được câu chuyện cười của Vương Hy Phượng còn có ra một tầng thâm ý thứ ba, hồi 54 này chính là ranh giới giữa hai phần của Hồng Lâu Mộng, là quá trình quá độ từ vui mừng đến bi thương, từ đoàn viên đến ly tán. Trước đó, Giả phủ nói chung là bình an vô sự, nhưng từ hồi 55 trở đi thì những việc buồn lũ lượt kéo tới, Giả phủ cũng không còn ngày nào yên ổn.
       
Căn cứ vào lời phê của Chi Nghiễn Trai, chúng ta biết ban đầu Hồng Lâu Mộng hẳn là dự định kéo dài khoảng 110 hồi, đến hồi 54 tương đương với hoàn thành nửa phần đầu, từ đó về sau là nửa phần cuối. Tết Nguyên Tiêu năm đó của Giả phủ chính là ranh giới hai phần trước sau của Hồng Lâu Mộng, xếp đặt sẵn những biến đổi lớn trong sự thịnh suy của Giả phủ.

Ở nửa phần đầu, Giả phủ còn đang duy trì vẻ ngoài tô vàng nạm ngọc thi lễ phồn hoa, những chuyện có vấn đề đều chỉ là chuyện nhỏ, không che lấp được cảnh tượng hoành tráng náo nhiệt bên ngoài. Bắt đầu nửa phần sau, Giả phủ như chiếc thuyền lớn dù khổ sở chèo chống đủ kiểu nhưng đã bắt đầu bị nước vào, dần dần thì thủng lỗ chỗ, không thể tiếp tục được nữa, nhanh chóng rơi vào cảnh nhà mất người tan.

Tóm lại, hai câu câu chuyện cười một trước một sau của Vương Hy Phượng thật sự không đơn giản, một câu chuyện để kết thúc phần nửa đầu, câu chuyện còn lại chính là bắt đầu cho phần phía sau.

Bài viết mang quan điểm cá nhân

0 bình luận
Sắp xếp: 
Thêm bình luận ...