[Phong tục Việt Nam] Tóc da giữ được tròn trung hiếu

| 496|
TÓC DA GIỮ ĐƯỢC TRÒN TRUNG HIẾU
(Thái Văn Kiểm biên khảo - tạp chí Bút Hoa)



Sợi tóc tuy nhỏ bé mà tầm quan trọng lại rất lớn. Nhờ sợi tóc mà người ta phân biệt được các sắc dân trên thế giới, nam giới với nữ giới, già với trẻ, v.v… Cũng nhờ sợi tóc mà người ta tìm ra manh mối các vụ án đã làm chấn động dư luận trong một thời nào. Và cũng vì sợi tóc mà có những dân tộc xung đột với nhau, có những đoàn người rời bỏ đất nước, ra đi để bảo toàn tóc tai thân thể, để bảo vệ phong tục tập quản của tổ tiên để lại.

Theo sách Lễ Ký, quyển I, thiên Vương Chế, do Đức Khổng Tử san định, thì xưa kia, chung quanh Trung Quốc, có nhiều sắc dân với những phong tục dị biệt khó thay đổi, như là:
Người phương Đông thì “bỉ phát văn thân” (búi tóc, vẽ mình);
Người phương Nam thì “điêu đề giao chỉ” (chạm trán, hai ngón chân cái giao lại);
Người phương Tây thì “bỉ phát y bì” (búi tóc, mặc áo dài);
Người phương Bắc thì “y vũ huyệt cư” (mặc áo lông, ở hang lỗ).

Chúng ta nhớ rằng giống Bách Việt xưa kia rải rác khắp miền Hoa Đông, Hoa Nam lan xuống tới Việt Thường, mà biên cương phía Nam có thể là đèo Hải Vân hiện tại. Bản tính của người Việt là ưa sống một cuộc đời phóng khoáng, thích qua sông lội suối, vượt đèo vượt núi, cho nên chúng ta không lấy gì làm lạ khi thấy “tự điển” giải thích chữ Việt có nghĩa là “vượt”. Nói một cách khác, chữ Vượt do chữ Việt mà ra.

Suốt trong mấy nghìn năm lịch sử, người Việt đã lan tràn khắp Đông Nam Á, tùy nơi thiên thời, địa lợi, nhân hòa, mà tiến theo các hướng Nam, Bắc, Đông, Tây, tạo ra một địa bàn sinh hoạt rộng lớn, trong đó tất nhiên là có Lưỡng Quảng, tức là nước Nam Việt xưa do Triệu Đà khai lập, mà sau này vua Quang Trung sẽ có lý do chính đáng để đòi hỏi. Cho nên chúng ta không thể viện một lẽ gì để loại Triệu Vũ Vương (207 - 137 trước Tây Lịch) ra ngoài lịch sử oai hùng của dân tộc Việt.

//static.kites.vn/upload//2021/19/1620890814.9a4e62512f947246a4550f26147e30f6.png


Địa bàn sinh hoạt của người Việt có nhiều sông ngòi và gần biển. Sông ngòi thuận lợi cho việc cày cấy ruộng vườn; biển hồ thuận lợi cho nghề chài lưới và lặn lội kiếm hạt trai. Những người chuyên sống về đồng áng thì “búi tóc” cho gọn; còn những kẻ chài lưới thì phải “cắt tóc” ngắn, để khỏi vướng phải những cây san hô, những kẹt đá ở dưới biển.
Cho nên sách “Tả truyện” có ghi rằng: người phương Nam có tục “đoạn phát văn thân” (cắt tóc vẽ mình). Sách “Hoài nam tử” có giải thích lý do như sau: phía Nam dãy núi Cửu Nghi, thuộc huyện Ninh Viễn, tỉnh Hồ Nam, việc trên cạn thì ít mà việc dưới nước thì nhiều, bởi thế nhân dân phải cắt tóc, vẽ mình cho giống loài trùng có vảy, tức là loài cá, thuồng luồng, và các giống thủy vật tương đương.

Nói tóm lại, người Việt khác với người Hán về căn bản sinh hoạt: một đàng sống nhiều về nghề chài lưới và đương nhiên hướng về biển (vocation maritime); một đàng sống nhiều về canh mục và đương nhiên hướng về lục địa (vocation continentale).
Trải qua 10 thế kỷ Bắc thuộc (111 trước Tây Lịch cho tới 939 sau Tây Lịch), dân tộc Việt đã chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Trung Quốc. Các ông Tích Quang, thái thú Giao Chỉ, Nhâm Diên, thái thú Cửu Chân, rồi đến ông Sĩ Nhiếp, thái thú Giao Chỉ, đã truyền bá văn học của Hán tộc tại nước ta, buộc dân ta để tóc dài và cài áo về phía tay mặt (hữu nhậm).

Sau khi giành lại độc lập với Ngô Quyền, dân Việt đã trở  lại dần dần với những tục lệ cổ truyền, như nhuộm răng, búi tóc chẳng hạn. Sử gia Mã Đoan Lâm ở hậu bán thế kỷ XIII, tác giả bộ sách vĩ đại “Văn Hiến Thông Khảo”, mà hầu tước Hervey de Saint Denys đã phiên dịch là “Ethnographie des peuples étrangers à la Chine”, có ghi những nhận xét tỉ mỉ về trang phục của người Việt và nhất là về cái đầu tóc như sau:
“Không phân biệt địa vị xã hội, tất cả các từng lớp nhân dân của xứ này (Giao Chỉ), đều búi tóc lên đỉnh đầu và đi chân trần. Vua cũng búi tóc và gắn dính lại với một cây kim vàng”. Cây kim này ngày nay ta gọi là “lông nhím” vậy.

Dưới đời nhà Trần, dân ta đều cắt tóc, theo sách Kiến Văn Tiểu Lục của Lê Quý Đôn, là vì ảnh hưởng của Phật Giáo, được tôn làm quốc giáo. Đến khi nhà Minh qua xâm chiếm nước ta, vào đầu thế kỷ XV (1406 - 1427), Hoàng Phúc ra lệnh để tóc dài, cấm cắt tóc, răng phải để trắng, không được nhuộm, đàn bà con gái phải bận quần dài áo ngắn, giống như người Tàu vậy.
Đến khi Lê Lợi khởi nghĩa từ đất Lam Sơn (1418), sau mười năm kháng chiến, đã khôi phục được giang sơn và duy trì những phong tục cũ, trong đó có tục lệ cắt tóc. Cho nên trong bài hịch của Lê Duy Mật đánh chúa Trịnh có một đoạn ca tụng vua Lê Thái Tổ như sau:
“Hịch rằng:

Đấng văn tôn văn tử, thù cha ông chi để tội Trời; người vương thổ vương thần, lòng trung nghĩa phải toan vì nước.
Nhớ từ thuở:
Đất Lam Sơn khởi nghĩa, vua Thái Tổ ra uy.
Rút gươm thiêng chém quách Liễu Thăng; lên ngôi báu dựng đồ Nam Việt.
Dài tóc lại nên ngắn tóc; đầu đội ơn công đức vô cùng.
Trắng răng đổi được đen răng, miệng đọc chữ thái bình hữu tượng.”

Tuy nhiên sự cắt tóc, cạo trọc như các nhà sư, chẳng qua là một phản ứng nhứt thời chống lại chế độ nhà Minh. Lần hồi các nhà Nho trong nước cũng phản ứng lại Phật Giáo, rất thịnh hành dưới thời nhà Trần, nhưng đã bắt đầu kém ảnh hưởng và không được suy tôn bằng Nho Giáo như dưới thời nhà Hậu Lê; cho nên các đồ đệ Nho Giáo đều để tóc dài, cho khác biệt với sư sãi, nhất là từ khi vua Lê Thánh Tông (1460 -1497) lập ra Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú, đánh dấu thời kỳ cực thịnh của Nho Giáo. Một chỉ dụ của vua Thánh Tông cấm dân ta không được cắt tóc ngắn, chỉ trừ các sư sãi mà thôi.

//static.kites.vn/upload//2021/19/1620890833.634c13680e36e3971deb5ca47c67a1f2.png


Sở dĩ các đồ đệ của Nho Giáo chủ trương không cắt tóc là vì trong sách Luận Ngữ, thiên Chính Nghĩa, Hiếu Kinh Vân, quyển 9, có dạy rằng:
“Thân thể phát phu, thụ chi phụ mẫu, bất cảm hủy thương” (thân thể tóc da, nhận được của cha mẹ, không được làm hư hỏng).
Sau khi nhà Minh bên Tàu bị nhà Thang (Mãn Châu) lật đổ năm 1644, chúng ta chứng kiến một sự xáo trộn lớn lao về trang phục, không những riêng cho Trung Quốc, mà còn có ảnh hưởng qua tới Việt Nam nữa. Nhà Mãn Thanh buộc dân Trung Hoa, thuộc Hán tộc phải tỉa tóc róc bím, kết đuôi sam (coiffure en queu de limule), để tòn teng sau vai. Một số sĩ phu người Tàu, trung thành với nhà Minh, cương quyết bỏ xứ sở đi, di cư sang Việt Nam, nơi đất lành chim đậu, trong đó có Mạc Cửu đã đổ bộ Hà Tiên, Trần Thượng Xuyên tới Biên Hòa và Dương Ngạn Địch tới Mỹ Tho, vào cuối thế kỷ XVII.
Sau này, khi cụ Trịnh Hoài Đức (1765 - 1825) về thăm đền thờ họ Mạc tại núi Lăng, Hà Tiên, cụ có để lại một câu đối đầy ý nghĩa, đến nay vẫn còn trông thấy:
“Tự gia phu phát hoàn trung hiếu
Phù hải ba đào ngoại tử sanh”
mà Đông Hồ tiên sinh đã dịch như sau:
“Tóc da giữ được tròn trung hiếu
Sóng gió lo gì chuyện tử sanh”

Đến khi vua Lê Chiêu Thống và bầy tôi là Lê Quýnh, Lê Doãn, Lê Dĩnh, v.v… gồm hơn mười người, chạy trốn sang Tàu năm 1789, họ bị Phúc An Khang lừa phỉnh phải tỉa tóc, gióc bím, vận phục như người Tàu, chỉ trừ Lê Quýnh là nhất định không chịu. Lê Quýnh nói rằng: “Ông cho gọi chúng tôi đến đây chẳng bàn được việc gì, lại dụ dỗ chúng tôi đổi áo gióc tóc, ấy là nghĩa gì? Tôi nói cho ông biết: đầu chúng tôi có thể chặt được, chứ tóc không gióc; da có thể lột được, chứ áo nhất quyết không đổi”.

Nghĩa khí thay lời nói của một trung thần nhà Lê, đáng được lưu danh trong sử sách!
Dưới thời Pháp thuộc, chúng ta đã một lần chứng kiến việc cắt tóc ngắn, phát khởi từ Quảng Nam Quảng Ngãi, hồi đầu thế kỷ XX, để phản đối sưu cao thuế nặng. Và từ đó phong trào tràn lan khắp nước, tuy không phải để phản đối sưu thuế nữa, nhưng để cho thuận tiện công việc làm ăn, hợp với trào lưu sống động, giữa một thế giới ganh đua giành sống.
(Bảo Tàng Viện ngày 27 tháng 6 năm 1963)

Đón xem nhiều bài viết về phong tục Việt Nam được sưu tầm chia sẻ với mọi người bạn nhé
0 bình luận
Sắp xếp: 
Thêm bình luận ...