[Sưu tầm] Những vui đùa vặt trong làng chữ nghĩa

| 1K|kimvankieu
NHỮNG VUI ĐÙA VẶT TRONG LÀNG CHỮ NGHĨA
(Thi thoại vui của Đông Hồ)


Hôm nay mình giới thiệu đến các bạn một bài viết do mình sưu tầm từ kho sách cũ của gia đình. Bài viết nằm trong chủ đề LÀNG CHỮ NGHĨA của chúng mình, và tác giả là thi sĩ Đông Hồ viết từ hồi xưa ơi là xưa đấy!

//static.kites.vn/upload//2021/20/1621324898.648ee292e2f8b8584feb2ee331b0b912.jpg


Trong làng văn chương chữ nghĩa, xưa nay không thiếu chi chuyện vui đùa. Có chuyện chỉ nên nói mà không nên chép. Có chuyện nói với nhau nghe thì vui mà chép lại cho nhau đọc thì không thú vị gì. Có chuyện khi nói thì vô tội mà khi chép lại thì thấy hình như có tội.
Có chuyện nghe rồi thì quên ngay, có chuyện nghe rồi cũng muốn quên, mà cứ nhớ. Mà đã nhớ thì có dịp kể lại cho nhau cùng nghe. Xét ra cũng đều là những chuyện vui đùa vô tội. Cái mà có nhà văn đã gọi nó là “Chơi chữ”.

Bắt đầu câu chuyện bằng một câu hát bình dân để chứng rằng chuyện vui đùa chữ nghĩa vốn bắt nguồn từ chỗ truyền thống hồn nhiên của dân tộc.
Cô gái đồng quê thường hát câu rằng:
Vua Thuấn cày trên non Lịch
Miệng thá ví dò tay xách nhành mai
Ống quyển vàng ai thổi vì ai
Điệu thâm trầm khiến cho người nhớ nhung
Miếu thần linh có cội cây tùng
Hai ta thề thốt thủy chung trọn đời


Anh nông dân mộc mạc không ưa chữ nghĩa văn hoa trong câu nọ, bẻ rằng: Dầu là vua Thuấn nữa, ai lại đánh trâu bằng nhành mai. Anh ta nhất định vua Thuấn phải đánh trâu bằng nhành ổi, cũng như anh ta vậy thôi. Anh ta đã chữa lại:
Vua Thuấn cày trên non Lịch
Miệng thá ví dò tay xách nhành ổi

Chị nông dân bấy giờ mới làm khó anh kia:
Nếu vua Thuấn đã “xách nhành ổi” thì ô hô, câu hò câu hát đứt ngang rồi. Bởi vì, làm sao mà bắt vận với bốn câu vần bình ở dưới.
Trong lúc đột ngột, anh nông dân cũng thấy bối rối vì câu bẻ của người bạn gái, nhưng qua cơn lúng túng ban đầu, anh cất tiếng hát tự nhiên như đã nghĩ sẵn:
Vua Thuấn cày trên non Lịch
        Miệng thá ví dò tay xách nhành ổi
       Ống quyển vàng khen ai khéo thổi
       Giọng thâm trầm nhiều nỗi khúc mắc
       Miễu thần linh có cây mộc trắc
       Hai đứa thề, chết ngắt một đứa!


Chị kia buột miệng rủa đổng anh kia: “Anh chết ngắt chớ ai chết ngắt!”

***


Làm thơ đối ngẫu, các nhà thích tìm chữ đối cho thật cân chỉnh, ví dụ như: Trời đối đất, gió đối mây, trắng đối đen, lân đối phượng, chuột đối mèo v.v…
Làm thơ đối ngẫu hay thì cũng thiệt hay, mà buồn cười thì cũng lắm chuyện buồn cười. Đối cân chỉnh mà khéo giữ được tự nhiên thì câu thơ điêu luyện có thần, còn như cố ý gò bó cho chỉnh chọi thì câu thơ chết khô, chết cứng.
Có một câu đối này, không biết ai đã bịa ra, hay là có thực.
Câu đối về cảnh Non Nước:
Chùa Non Nước, non non nước nước, nhất vui thay là phố Vân Sàng*
Mà đối lại là:
Quán Già Cơm, già già cơm cơm, vạn buồn nhỉ ấy phường Vũ Mẹt
Đối như vậy, chữ nghĩa thiệt là chỉnh chọi, kiểm điểm từng chữ một mà xem:
“Quán” đối  “chùa”, “già” đối “non”, “cơm” đối “nước”, “nhất” đối “vạn”, “vui thay” đối “buồn nhỉ”, “là phố” đối “ấy phường”, “vân” đối “vũ”, và sau cùng là “sàng” đối “mẹt”.
Nghe chuyện này, các nhà thơ xưa thích làm đối chỉnh chọi cũng nên giật mình mà kiểm điểm lại thơ Đường luật của mình.

***


Hồi Tết năm vừa rồi, Đông Hồ có làm một bài thơ, câu đối luận rằng:
Chi có nhà vàng treo giá ngọc
Chút còn long phương đổi sừng lân


Câu thơ này tác giả quyết gò cho được một vần đơn độc. Thơ nôm mà hạ vần “lân” thì thiệt là cô phong độc trĩ. Trong câu, lại gò được cú trung đối: câu trên, “nhà vàng” đối “giá ngọc”; câu dưới, “lông phượng” đối “sừng lân”.
Nhà thơ Lãng Nhân họa rằng:
Đã trót buổi xuân ngồi trốc cọp
Thôi thì dịp tết múa đầu lân


Câu thơ này, “trốc cọp” đối với “đầu lân”, đối thì cũng đối đó, nhưng mà trốc cũng nghĩa là đầu. Lại với ý tác giả muốn nói “trót đã ngồi lên lưng cọp” nhưng vì “lưng” là tiếng bình, thất niêm; phải đem tiếng “trốc” là tiếng trắc thay vào. Cho nên mới thành ra “ngồi trốc cọp”. Mà ngồi trốc cọp là ngồi thế nào nhỉ? Xét lại thời hầu lúc làm thơ này nhằm lúc cuối năm Dần là thời gian sau cùng của năm cọp thì chính là là “ngồi đít cọp” mới là đúng. Lại thêm được đối với “múa đầu lân”! và còn một cái lợi nữa là khi đã cỡi lên rồi mà có muốn tù chỗ đó nhảy xuống, cũng còn có đường nhảy xuống mà không sợ nguy hiểm.

***


Trong Nam, có truyền tụng một bài thơ Nôm vịnh nhân vật đời Tam Quốc, là bài thơ “Từ Thứ qui Tào”. Bài này tương truyền là của Tôn Thọ Tường, cũng như bài “Tôn phu nhân qui Hán”. Nhưng mà, không như bài “Tôn phu nhân”, thơ này nói ra tâm sự bất đắc dĩ của Từ Nguyên Trực, khi về với Tào Mạnh Đức, bộc lộ được giọng trung hậu, chân thành. Là cái tâm sự đáng tội nghiệp, vì không có cách nào làm khác hơn được nữa, trong khi bị xử vào cảnh ngộ éo le. Nó không như giọng đỏng đảnh, chanh chua trong thơ của “Tôn phu nhân qui Hán”.
Hãy xin chép lại nguyên văn bài thơ:
Từ Thứ Qui Tào
Thảo đâu dám sánh kẻ cày voi
Muối xát lòng ai nấy mặn mòi
Về Tào chi sá một cây còi
Bâng khuâng nhớ mẹ khôn nưng chén
Bịn rịn vì vua biếng dở roi
Chẳng được khôn Lưu thà dại Ngụy
Thân này gác để ngoại vòng thoi


Bài thơ này, chúng ta không biết rõ là khi làm, tác giả tự nhiên đã dựng nên năm vần như thế, hay là cố ý gò nên vận khó, để sách họa. Tôi thì không tin là tác giả gò gẫm. Bởi câu đầu vịnh Từ Thứ, vì hiếu đạo mà qui Tào, mượn điển tích vua Thuấn là bậc đại hiếu đại hiền để so sánh.
Nói đến lòng hiếu thảo của vua Thuấn thì chuyện voi kéo cày, chim nhặt cỏ là tượng trưng nhất.
Ở câu thơ đầu, đã hạ ba chữ “kẻ cày voi” rất đắt. Rồi thì tự nhiên phải tìm thêm 4 vận nữa.
Người sau thấy năm vần thơ hay hay muốn họa thì gặp khó khăn quá, rồi nghĩ rằng người xưa bắt bí.
Từ đó năm vần: “voi mòi còi roi thoi”, trong làng xướng họa gọi là “Vận Từ Thứ”.
Là một thứ tử vận, đến có câu nói ví: “khó như vận Từ Thứ”, để chỉ cho việc gì khó khăn rắc rối, không giải quyết cho trót lọt.
Có nhiều nhà đã dùng năm vần này mà làm thơ, chẳng những đề vịnh việc qui Tào của Từ Thứ mà bất kỳ là vịnh cảnh vị vật nào khác. Ví dụ như thơ “Mưa đêm”, thơ “Hát bội”, thơ “Tiễn biệt”, và còn nhiều nữa…


Thơ làm “vận Từ Thứ” xưa nay có nhiều thiệt nhiều, mà tôi chưa thấy bài nào nghe được. Chỉ vì 5 vần đó không “thơ” chút nào cả. Nói theo điệu nhà nghề thì nó không có thi liệu**. Tự vần thơ đã không có thi liệu, rồi cố gò ép làm cho nên, dễ trở thành ngô nghê sống sượng. Đó là một điều nguy hiểm trong nghề xướng họa thù tạc.
Kể như ngay bài nguyên xướng trên đó, vần thứ hai là vần “mòi” cũng đã ép gượng lắm rồi:
“Muối xát lòng ai nấy mặn”
Muối thì mặn, mặn trơn mà thôi, là đủ rồi. Chớ muối không có mặn mòi, cũng không mặn mà. Tiếng đôi “mặn mòi” hay “mặn mà là có nghĩa thuộc về trừu tượng hơn. Như nói: Cô gái miền Nam có nước da “mặn mòi”. Cô gái miền Bắc ăn nói “mặn mà”.
Ví dụ:
Kiều càng sắc sảo mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn

Ca dao cũng có câu:
Một thương tóc bỏ đuôi gà
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên


Vậy thì “mặn mòi” hay “mặn mà”, có nghĩa đằm thắm, đẹp đẽ gần như tiếng “đậm đà”.
Huống chi trong câu thơ đây, tác giả muốn diễn tả nỗi đau lòng của người hiếu tử:
Thay cho lời Từ Nguyên Trực khi lưu biệt Lưu Huyền Đức, mà phân trần rằng: Xưa nay, ai cũng cho vua Thuấn là bậc đại hiếu, đâu dám đem mình so sánh với vua Thuấn:
Thảo đâu dám sánh kẻ cày voi
Câu dẫn khởi kể chuyện hiếu thảo của mình mà giữ được ý khiêm tốn. Nói được như vậy là rất khéo. Câu thơ dễ yêu.
Không dám so sánh lòng hiếu thảo với bực đại hiền, đành vậy. Nhưng mà khi Tào Tháo đã bắt giữ mẹ già làm tình làm tội đủ điều, thì tự nhiên cũng cứ thấy lòng đau xót, dầu cho không phải lòng dạ vua Thuấn.
Phàm lòng người con hiếu, gặp cảnh ngộ đó lòng nào mà chẳng xót xa lòng. Chẳng cứ gì một vua Thuấn mà thôi. Ai đã gặp cảnh ngộ thương tâm, cũng đều cảm xúc như nhau cả. Biểu hiện, tượng trưng bằng cách nói cụ thể: Muối đã xát vào lòng ai thì lòng người đó mặn, chớ dám đâu so sánh niềm hiếu đạo với bậc thánh hiền.
Muối xát lòng ai nấy mặn...

Chỉ vì câu thơ thất ngôn và vì vần “voi” ở trên mà tác giả hạn thêm tiếng “mòi” cho đủ chữ, thành “mặn mòi”, làm cho nghĩa thơ hết mặn mà lòng đau thương cũng vơi bớt thương xót phần nào.
Cũng vì một vần “mòi” đó mà đã làm khổ cho bao nhiêu người sau, khi muốn họa “vận Từ Thứ”. Bởi xét ra, ,không có tình cảnh ý tứ nào mà có thể hạ bằng tiếng “mòi” nghe cho thông được cả. Tiếng “mòi” đó quả là tiếng chết. Lẩn quẩn mấy tiếng: “ra mòi”, “ló mòi”, “có mòi” đều là những tiếng không nên thơ chút nào cả.
Có người tức cái “vận mòi” đó mà nói rằng: sao mà tác giá nó không làm: “Muối xát lòng ai nấy mặn queo!” có hơn không!

//static.kites.vn/upload//2021/20/1621324898.648ee292e2f8b8584feb2ee331b0b912.jpg


“Muối mặn queo” còn đúng ý nghĩa hơn là “mặn mòi” đó. Miền Hậu Giang thường nói “Muối Ba Thắc mặn ghê gớm, con còng còng, con ba khía rớt xuống ruộng muốn đó một cái thì chết queo”. Hoặc nói “muối Ba Thắc mặn queo lưỡi, cắn nửa hột, ăn được một bát cơm” (Ba Thắc là địa điểm ở Hậu Giang, vùng Bạc Liêu, Sóc Trăng, vùng có nhiều ruộng muối. Người Tây đã âm tiếng này thành tiếng Bassac, con sông Hậu Giang, trong địa đồ, đề là sông Bassac).
Ai đó, khi đã muốn đổi câu thứ hai của thơ Từ Thứ thành: Muối xát lòng ai nấy mặn queo.
Rồi bốn vần kia mới tính sau đây. Đã chữa thì chữa hết cả. Có nhà khôi hài đã chữa lại rằng:
Thảo đâu dám sánh kẻ cày  mèo
Muối xát lòng ai nấy mặn queo
Ở Hán hãy còn nhiều cột cả
Về Tào chi sá một cây đèo
Bâng khuâng nhớ mẹ khôn nưng chén
Bịn rịn vì vua biếng dở hèo
Chẳng được khôn Lưu thà dại Ngụy
Thân này gác để ngoại chuồng heo


Đây cũng là cách cảnh cáo các nhà thơ xưa, thích chơi lối thơ tử vận.

***


Về việc chữa 5 vần thơ Từ Thứ theo lối phỏng cổ hài văn này, tôi nhớ đã có người chữa bài “Giai nhân bất thị đáo Tiền đường” đề từ sách “Đoạn trường tân thanh” của Phạm Quý Thích, mà 5 vần mới đổi là 5 tiếng dụng ngữ thường đàm của làng yên vân. Chữa rằng:
Giai nhân bất thị đáo bàn đèn
Bán thế yên hoa trái vị ghiền
Ngọc diện khởi ưng mai thủy móc
Băng tâm tự khả đối kim tiên
Đoạn trường mộng lý căn duyên xái
Bạc mệnh cầm chung oán hận tiền
Nhất phiến tài tình thiên cổ lọ
Tân thanh đáo để vị thùy yên


***


Thi thoại bắt đầu bằng mấy câu hát hò vần trắc, cho nên cũng xin kết bằng chuyện một bài thơ vần trắc cho thượng hạ hô ứng. Thơ vần trắc, thỉnh thoảng để điểm vào bài cổ phong trường thiên, làm lối hành ngâm, lối ca khúc cho giọng thơ đỡ tẻ thì cũng đắc thể. Đến như nghĩ làm một bài thơ vần trắc thì không có nhà thơ nào thích làm. Có lẽ vì vần trắc nghe cộc, bài thơ thiếu nhạc, không phải khả năng sở trường của tiếng Việt.
Đông Hồ nguyên có căn bịnh hư hàn, các bạn biết vậy, cho nên khi có món quế tốt, thường mang đến cho. Thưởng thức thanh quế “bạch chỉ phân du”, sung sướng như được thưởng thức một vần thtơ hay.
Bạn có người cho quế, đã thách Đông Hồ điều kiện làm một bài thơ “vần quế” và Đông Hồ đã làm xong, trong khi nếm thử khí vị vừa cay, vừa ngọt, vừa thơm, vừa ấm giọng.

BÀI THƠ VẦN QUẾ
Vần thơ hái tự rừng Thanh Nghệ
Bạch chi phân du tiến cống quế
Thơm đầm không ví xạ thơm bưng
Cay ấm chi sánh gừng cay xé
Chẳng phải hạnh nhân sao dầu ghê
Không như cam thảo chính ngọt lệ
Đang buổi gạo châu dám hợm mình
Củi đun nơm nớp phòng khi ế


Ý thơ tán thưởng khi vị tinh chất của Thanh hoa quế: Quế có vị thơm, nhưng vị thơm của quế là thơm đầm, không phải thơm bưng như xạ. Quế có tính cay, nhưng tính cay của quế là cay ấm, không phải cay xé như gừng. Quế có dầu, nhưng dầu quế đượm nhuần, không như chất dầu béo ghê như hạnh nhân sao vàng. Quết có chất ngọt, nhưng ngọt quế dinh dưỡng, không như chất ngọt tệ như cam thảo chích mật.
Sau cùng, mượn vần thơ giới ý rằng: văn chương mình là văn chương củi đun chớ dám đâu nghĩ là văn chương củi quế, mà mong đem sánh với gạo châu.


(*sông Vân hiện nay - là một con sông nối sông Vạc với sông Đáy, chảy xuyên qua trung tâm thành phố Ninh Bình và cùng với núi Thúy là biểu tượng văn hóa du lịch của thành phố Ninh Bình)
(**chất thơ)

Các bạn hãy cùng kites đọc thêm nhiều bài viết về chủ đề LÀNG CHỮ NGHĨA được Kites sưu tầm nhé!

0 bình luận
Sắp xếp: 
Thêm bình luận ...